Quảng cáo top banner

Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1884 đến 1946

Đăng lúc: Thứ năm - 07/07/2011 21:47 - Người đăng bài viết: admin
Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1884-1945 thời Pháp đô hộ đến giai đoạn 1945-1946 thời kỳ Xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ cộng hoà

THỜI KỲ PHÁP ĐÔ HỘ (1884-1945)

5. Dục Đức (Ưng Chân) (làm vua 3 ngày) (1883):

Ưng Chân sinh ngày 04 tháng 01 năm Quý Sửu (11-02-01853).

Tự Đức có hàng trǎm vợ nhưng không có con, phải nuôi ba người con các anh mình làm con nuôi: Ưng Chân, Ưng Xuỵ, Ưng Đǎng.

Tự Đức chết, triều thần đưa Ưng Chân lên ngôi vua là Dục Đức. Trước ngày đǎng quang, Dục Đức bàn với 3 vị đại thần Phụ chánh là Nguyễn Vǎn Tường, Tôn Thất Thuyết và Trần Tiến Thành sẽ không đọc một đoạn nhận xét về mình trong di chiếu tại lễ lên ngôi. Cả ba vị đều đồng ý. Hôm sau Trần Tiến Thành tuyên đọc đến đoạn đó thì đọc nhỏ đi hầu như không ai nghe rõ. Nguyễn Vǎn Tường, Tôn Thất Thuyết nổi giận, bắt đọc lại, rồi sai quân túc vệ bắt 10 người thân tín của Vua.

Hai hôm sau, tại buổi thiết triều, Nguyễn Vǎn Tường tuyên cáo phế truất Dục Đức, đưa Hồng Dật lên ngôi (tức Hiệp Hoà).

Còn Dục Đức bị tống giam và bị đối xử tàn tệ, hơn một năm sau thì chết, xác vùi bên một quả đồi, không có quan tài và không cho ai được đi đưa tang.

Dục Đức chết ngày 06 tháng 09 năm Giáp Thân (24-10-1884), thọ 32 tuổi. Như vậy, Dục Đức mới làm vua được 3 ngày (19, 20, 21 tháng 6 năm Quý Mùi (1883)).

Mãi 20 nǎm sau, con trai thứ 7 là Vua Thành Thái mới khôi phục đế hiệu cho cha là: "Cung tôn huệ Hoàng đế".

6. Hiệp Hoà (Hồng Dật) (6/1883-11/1883) (6 tháng):

Niên hiệu: Hiệp Hoà

Hiệp Hoà tên huý là Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của Thiệu Trị, sinh tháng 9 nǎm 1846.

Tháng 6-1883 phế xong Dục Đức, Nguyễn Vǎn Tường và Tôn Thất Thuyết xin ý chỉ của Hoàng thái hậu Từ Dụ đưa Hồng Dật lên ngôi vua, niên hiệu Hiệp Hoà.

Hiệp Hoà lên nối ngôi, Nguyễn Vǎn Tường và Tôn Thất Thuyết cậy công nên thâu tóm mọi quyền hành, không coi Vua ra gì. Hiệp Hoà ghét lắm, muốn tước bớt quyền lực của họ. Hiệp Hoà làm vua được bốn tháng thì nhận được mật sớ của Hồng Sâm và Hồng Phi (Tham tri Bộ Lại, con của Tùng Thiện Vương) xin giết hai quyền thần Nguyễn Vǎn Tường và Tôn Thất Thuyết.

Hiệp Hoà phê vào sớ "Giao cho Trần Tiến Thành phụng duyệt". Việc bại lộ, Hồng Sâm, Hồng Phi và Trần Tiến Thành đều bị giết chết, còn Hiệp Hoà bị ép uống thuốc độc tự vẫn chết vào ngày 29-11-1883, thọ 38 tuổi.

7. Kiến Phúc (Ưng Đǎng) (1883-1884):

Niên hiệu: Kiến Phúc (1883-1884)

Ưng Đǎng tên huý là Phúc Hạo, con nuôi thứ ba của Tự Đức, sinh ngày 2 tháng Giêng nǎm Kỷ Tỵ (12-02-1860). Vì Tự Đức không có con, lúc 2 tuổi được sung làm Hoàng thiếu tử, do Học Phi Nguyễn Thị Chuyên nuôi dưỡng.

Nguyễn Vǎn Tường và Tôn Thất Thuyết phế Hiệp Hoà cho người đón Ưng Đǎng lập lên làm vua ngày 03 tháng 11 năm Quý Mùi (02-12-1883) niên hiệu Kiến Phúc, lúc đó 14 tuổi.

Kiến Phúc lên ngôi vua, thế lực bà Học phi ngày càng lớn. Phụ chính Nguyễn Vǎn Tường rất muốn tranh thủ cảm tình của bà. Tháng 6-1884, Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa, bà Học Phi lúc nào cũng ở bên cạnh nhà vua bé bỏng của mình. Thế là Phụ chính Nguyễn Vǎn Tường tối nào cũng vào chầu Hoàng đế và Hoàng mẫu, có khi đến nửa đêm mới về. Trước thái độ quá ân cần có chiều lả lơi của Nguyễn Vǎn Tường với bà mẹ nuôi, Kiến Phúc hết sức khó chịu. Một hôm đang thiu thiu ngủ, nghe được câu chuyện giữa hai người, Kiến Phúc quát: "Khi nào lành bệnh ta sẽ chặt đầu ba họ nhà mi". Nguyễn Vǎn Tường nghe được bèn xuống thái y viện lấy thuốc pha chế đưa cho Học phi. Theo lời khuyên của mẹ nuôi, Kiến Phúc đã uống thuốc đó tới sáng hôm sau thì qua đời vào ngày 10 tháng 6 năm Giáp Thân (31-7-1884).

Ngay chiều hôm đó tại buổi thiết triều bất thường, Nguyễn Vǎn Tường tuyên cáo Kiến Phúc đã bǎng hà vì bệnh tình biến chuyển đột ngột và đưa em ruột là Ưng Lịch lên nối ngôi.

Kiến Phúc làm vua được 8 tháng thì mất, mới 15 tuổi.

8. Hàm Nghi (Ưng Lịch) (1884-1885):

            Ưng Lịch sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi (03-8-1871).

Sau khi Kiến Phúc bị giết, Ưng Lịch mới 13 tuổi được đưa lên ngôi vua ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (02-8-1884), niên hiệu là Hàm Nghi. Lúc đó, Hoà ước Giáp Thân (6-6-1884) đã được ký kết. Lễ đǎng quang của Hàm Nghi không được Nam triều thông báo cho Khâm sứ Pháp tại Trung kỳ biết, nên Rê-na không thừa nhận vua mới.

Hai bên đang thương lượng, tướng Đờ Cuốc-Xy doạ sẽ đem quân sang bắt Vua, trước tình thế cǎng thẳng không thể trì hoãn được, rạng sáng 7-7-1885, Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công bất ngờ vào đồn Mang Cá và đồn quân Pháp đóng cạnh toà Khâm sứ. Quân ta đánh rất hǎng, song vũ khí quá thô sơ, chỉ huy liên lạc non kém, nên mấy giờ sau cuộc tấn công bị thất bại, Tôn Thất Thuyết phải hộ giá vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị.

Tại cǎn cứ Tân Sở trên cao nguyên miền Trung, phía Tây giáp Lào, vua Hàm Nghi đã phê chuẩn chiếu Cần Vương, kêu gọi quân dân cả nước ra sức chống giặc Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, dân chúng và sĩ phu cả nước liên tiếp đứng lên chống Pháp. Thự dân Pháp dùng kế phản gián mua chuộc tên người Mường là Trương Quang Ngọc (hắn vốn theo hầu vua) ngày 26 tháng 9 năm Mậu Tý (30-10-1888) tên Ngọc đưa giặc đến bắt vua Hàm Nghi đem về Huế, ngày 14-11-1888, lúc đó Vua mới 17 tuổi. Pháp tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ, hòng thuyết phục Hàm Nghi cộng tác với chúng, nhưng đều bị vua Hàm Nghi khước từ thẳng thừng.

Không mua chuộc nổi, ngày 13 tháng 01 năm Kỷ Sửu (12-02-1889), thực dân Pháp đưa vua Hàm Nghi đi an trí tại An-giê, Hàm Nghi sống ở An-giê được 54 nǎm thì mất vào ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (04-01-1943) thọ 73 tuổi.

9. Đồng Khánh (Ưng Xuỵ) (1885-1888):

Ưng Xuỵ tên huý là Phúc Biện sinh ngày 12 tháng giêng năm Giáp Tý (19-02-1864).

Sau đó, vua Hàm Nghi bỏ kinh đô chạy ra Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương chống Pháp. Thực dân Pháp bàn với các đại thần cơ mật Nguyễn Hữu Độ và Phan Đình Bình đưa Ưng Xuỵ lên ngôi vua hiệu là Đồng Khánh.

Đồng Khánh tên huý là Ưng Xuỵ, con trưởng của Kiến quốc công Hồng Cai, mẹ là Bùi Thị Thanh, nǎm 1865 lên 2 tuổi, được đưa vào làm con nuôi thứ hai của Tự Đức. Tháng 8 năm Ất Dậu (1885), dưới sự bảo trợ của Giám quốc người Pháp, Ưng Xuỵ được lên ngôi vua, niên hiệu là Đồng Khánh.

Lên ngôi vua, Đồng Khánh biết ơn nước mẹ Pháp quốc đã phong cho Đờ Cuốc-Xy tước "Bảo hộ quân vương", phong cho Sǎm-pô tước "Bảo hộ công" và tướng Oa-rơ-nô tước "Dực quốc công". Đồng Khánh còn chuyển tới tổng thống Pháp bức điện cảm ơn nước Đại Pháp và hứa sẽ mãi mãi giữ trọn tình giao hảo giữa hai nước.

Đồng Khánh càng thân Pháp bao nhiêu thì phong trào Cần Vương chống Pháp càng lan rộng khắp nơi. Pháp đã phải thừa nhận: "Chưa hề ở xứ nào, thời nào có một ông vua bị thần dân oán ghét như vua bù nhìn Đồng Khánh!"

Song, Đồng Khánh làm vua, không được lâu, ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tý (28-01-1888), Đồng Khánh bị bệnh chết, ở ngôi được 3 nǎm, thọ 25 tuổi. Đồng Khánh có 9 người con (6 nam, 3 nữ).

10. Thành Thái (Bửu Lân) (1889-1907):

            Bửu Lân tên huý là Phúc Chiêu, sinh ngày 22 tháng 02 năm Kỷ Mão (14-3-1879).

Đống Khánh mất, các con trai còn quá nhỏ. Triều đình Huế vâng chỉ của Nghi Thiên Vương Hoàng hậu (vợ Thiệu Trị) và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ Tự Đức) đón Hoàng tử Bửu Lân (con thứ 7 của Dục Đức) mới 10 tuổi về cung, lên làm vua, vào ngày 02 tháng giêng năm Kỷ Sửu (01-02-1889), niên hiệu là Thành Thái.

Thành Thái thông minh, hiếu học, khi 4 tuổi, vua cha là Dục Đức bị phế và chết trong tù, Bửu Lân phải ra sống ở ngoại thành với bà con lao động, đã từng chia sẻ gian khổ với những người nghèo trong cảnh nước mất nhà tan. Vì thế, khi làm vua mới 10 tuổi Thành Thái đã sớm có ý thức về quốc sự: Thành Thái rất thích học các tân thư chữ Hán của Trung Quốc, Nhật Bản. Nhờ vậy, Thành Thái có ý thức tự cường dân tộc và có dự định cách tân đất nước, song đều bị thực dân Pháp ngǎn chặn.

Thành Thái rất thương dân, thường hay vi hành để được gần dân chúng, để hiểu được sự đau khổ của dân một nước nô lệ.

Khâm sứ Pháp và quần thần Nam triều bù nhìn rất muốn truất ngôi của vua Thành Thái vì không chịu nghe theo ý hắn. Ngày 29-7-1907, Lê-véc-cơ nói thẳng với vua: "Nhà Vua không thành thật cộng tác với chính phủ bảo hộ thì mọi việc đều do Hội đồng thượng thư tự quyết đoán. Nhà vua đã hết quyền hành và không được ra khỏi Đại Nội dành riêng cho nhà Vua".

Ngày 3-9-1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng Vua dự thảo chiếu thoái vị với lý do sức khoẻ không bảo đảm, xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, Thành Thái nhếch mép cười, ghi ngay hai chữ "phê chuẩn" rồi quay lưng đi vào.

Ngày 12-9-1907 thực dân Pháp đưa Thành Thái đi quản thúc ở Cáp Xanh Giắc-cơ (Cap Saint Jacques – Vũng Tàu) đến nǎm Bính Thìn (1916) thì đày ra đảo Rê-uy-ni-ông (Réunion) cùng với con là Duy Tân.

Thành Thái làm Vua được 18 nǎm, bị phế truất nǎm 28 tuổi. Sau 31 nǎm bị đi đày, nǎm 1947 được trở về Tổ quốc. Ngày 18 tháng 02 năm Ất Mùi (09-3-1955), Thành Thái mất tại Sài Gòn, thọ 74 tuổi.

11. Duy Tân (Vĩnh San) (1907-1916):

Vĩnh San có tên huý là Phúc Hoàng, sinh ngày 26 tháng 8 năm Canh Tý (19-9-1900).

Phế truất Thành Thái, thực dân Pháp đưa hoàng tử Vĩnh San mới lên 8 tuổi lên làm vua để dễ bề sai khiến. Nhưng chúng không ngờ Duy Tân còn chống lại kiên quyết hơn vua cha.

Có lần Duy Tân ngồi câu cá với thầy học là Nguyễn Hữu Bài. Vua ra vế câu đối:

"Ngồi trên nước không ngǎn được nước, trót buông câu nên lỡ phải lần".

Thầy học Nguyễn Hữu Bài đối lại:

"Nghĩ việc đời mà ngán cho đời, đành nhắm mắt đến đâu hay đó".

Nhà vua buồn rầu nói: (Hoá ra thầy là người bó tay trước số mệnh. Theo ý trẫm, sống như thế buồn lắm. Phải có ý chí vượt gian khổ, khó khǎn để tiến lên thì sống mới có ý nghĩa".

Nǎm 1916, Duy Tân bí mật gặp hai chí sĩ của Việt Nam Quang phục hội (do Phan Bội Châu chủ xướng) là Trần Cao Vân và Thái Phiên bàn mưu khởi nghĩa đánh Pháp. Duy Tân đã chủ động tham gia và quyết định đẩy ngày khởi nghĩa sớm hơn để khỏi lỡ thời cơ. Cuộc khởi nghĩa bị lộ. Ngày 6-5-1916, giặc Pháp bắt được vua Duy Tân cùng nhiều chiến sĩ cứu nước ở Quảng Ngãi.

Toàn quyền Pháp đích thân ra gặp và dụ dỗ Vua trở về ngai vàng. Duy Tân khẳng khái trả lời:

- "Các ngài muốn buộc tôi phải làm vua nước Nam thì hãy coi tôi là một ông Vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi thư tín và chính kiến với Chính phủ Pháp".

Thuyết phục và mua chuộc mãi không được, thực dân Pháp đày Duy Tân sang đảo Rê-uy-ni-ông. Còn Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu đều bị chém đầu.

Trong chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945), Duy Tân tình nguyện gia nhập quân đội "nước Pháp tự do" để chống Phát-xít, khi đồng minh chiến thắng, ông được giải ngũ với hàm thiếu tá không quân. Tháng 10-1945, Duy Tân chấp nhận đề nghị của tổng thống Pháp Đờ Gôn trở về Việt Nam nhưng bị tai nạn máy bay vào ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu (25-12-1945) chết, thọ 46 tuổi.

12. Khải Định (Bửu Đảo) (1916-1925):

Bửu Đảo tên huý là Phúc Tuấn, sinh ngày 01 tháng 9 năm Ất Dậu (08-10-1885).

Thực dân Pháp đưa Duy Tân đi đày, lập Hoàng thân Bửu Đảo, con trai của Đồng Khánh lên ngôi vua, niên hiệu là Khải Định.

Khải Định là một ông Vua bù nhìn mạt hạng, nên nhân dân Huế đã có ca dao chế giễu:

"Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây,

Nghề này thì lấy ông này tiên sư"

Ngày 20-5-1922, Khải Định sang Pháp dự hội chợ thuộc địa Mác-xây. Để lật tẩy tên vua bù nhìn ôm chân Pháp, ngay ở Pháp những bài báo đanh thép của đồng chí Nguyễn Ái Quốc với vở kịch "Con rồng tre" và bản "Thất điều trần" của Phan Chu Trinh được công bố.

Ngày 20 tháng 9 năm Ất Sửu (6-11-1925), Khải Định qua đời, thọ 41 tuổi, trị vì được 9 nǎm.

13. Bảo Đại (Vĩnh Thụy) (1926-1945):

            Vĩnh Thuỵ tên huý là Phúc Thiển, sinh ngày 23 tháng 9 năm Quý Sửu (22-10-1913), ngày 02 tháng 4 năm Nhâm Tuất (28-4-1922) được phong Đông cung Thái tử và được sang Pháp đào tạo.

Khải Định chết, Toàn quyền Đông Dương đưa Vĩnh Thuỵ lên ngôi vua niên hiệu Bảo Đại nhưng vẫn học ở Pháp. Triều đình do một Hội đồng phụ chính điều hành.

Sau 10 nǎm học tập ở "Mẫu quốc", ngày 16-8-1932, Bảo Đại xuống tàu biển về nước. Ngày 10-9-1932 Bảo Đại ra đạo dụ số 1 tuyên cáo chấp chánh.

Bảo Đại thích đi sǎn bắn ở cao nguyên trung phần.

Do sự xếp đặt của thực dân Pháp, ngày 20-3-1934, Bảo Đại cưới con gái Nguyễn Hữu Hào một điền chủ Nam Kỳ, quốc tịch Pháp, theo đạo Thiên Chúa, tên là Nguyễn hữu Thị Lan (có tên Thánh là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào), lập làm Nam Phương Hoàng hậu.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cuộc tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945 thắng lợi, đưa Tổ quốc ta thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ngày 30-8-1945, trước 5 vạn nhân dân cố đô Huế tập trung trước cửa Ngọ Môn, Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng và tuyên bố "làm công dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ".

Sau đó, công dân Vĩnh Thuỵ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời.

Nǎm 1946, Vĩnh Thuỵ được tham gia phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà sang Trung Quốc, Vĩnh Thuỵ đã ở lại nước ngoài. Tháng 4-1949, Vĩnh Thuỵ được Pháp đưa về làm Quốc trưởng bù nhìn, sau bị Ngô Đình Diệm lật đổ. Tháng 10-1956, Vĩnh Thuỵ sang Pháp sống lưu vong. Ngày 1-8-1997, Vĩnh Thuỵ mất tại Pháp, thọ 85 tuổi.

Như vậy, triều Nguyễn có 13 vua nối nhau trị vì đất nước ta143 năm (1802-1945) trong đó:

- Vua ở ngôi lâu nhất là: Tự Đức 35 năm (1847-1883)

- Vua ở ngôi ngắn nhất là: Dục Đức (3 ngày)

- Vua thọ nhất là: Bảo Đại (85 tuổi)

- Vua mất sớm nhất là Kiến Phúc (15 tuổi)

- Có 3 vị vua bị Pháp dem đi đày là: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.

- Có 2 vị vua bị triều đình giết là Dục Đức và Hiệp Hoà.

 

NHỮNG CUỘC KHỞI NGHĨA CHỐNG

THỰC DÂN PHÁP TRƯỚC KHI ĐẢNG CỘNG SẢN

ĐÔNG DƯƠNG RA ĐỜI (1858-1930)

Ngay từ khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta năm 1858 và dưới ách thống trị của chúng ngót một thế kỷ, nhân dân ta không cam chịu nô lệ đã liên tiếp vùng dậy cầm vũ khí để giải phóng dân tộc.

Dưới đây là một số cuộc khởi nghĩa chống Pháp quan trọng nhất trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời.

1. Khởi nghĩa Trương Định (1859-1864):

Năm 1859, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định. Trương Định tổ chức nghĩa quân chống giặc ở Gò Công, Tân An, được triều đình Huế giao chức Lãnh binh.

Năm 1862, vua quan nhà Nguyễn hàng giặc, ra lệnh giải binh, nhưng Trương Định cương quyết kháng Pháp đến cùng, được nhân dân suy tôn là Bình Tây Đại nguyên soái. Ngày 19-8-1864, Trương Định bị thương nặng đã rút gươm tự sát. Con trai là Trương Quyền tiếp tục chiến đấu đến năm 1867.

2. Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực (1861-1868):

Năm 1861, Nguyễn Trung Trực (tức Nguyễn Văn Lịch) nổi dậy ở Tân An, chỉ huy nghĩa quân đốt cháy tàu Hy Vọng (Espérance) của giặc Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông (12-1861), rồi lập căn cứ kiên trì chống giặc khắp vùng Rạch Giá, Hà Tiên và đảo Phú Quốc. Năm 1868, bị giặc bắt và đưa đi hành hình, ông đã hiên ngang nói thẳng vào mặt chúng: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”.

3. Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887):

Năm 1886, Đinh Công Tráng, Trần Xuân Soạn cùng một số văn thân, thổ hào yêu nước: Phạm Bành, Nguyễn Khế, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước... lập chiến khu ở Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) tổ chức chống giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Năm 1887, cuộc khởi nghĩa thất bại.

4. Khởi nghĩa Bãi Sậy (1885-1889):

Nguyễn Thiện Thuật (tức Tán Thuật) dựng cờ khởi nghĩa lập căn cứ kháng Pháp ở Bãi Sậy (thuộc hai huyện Văn Giang và Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Suốt mấy năm trời kiên trì đánh du kích, tiêu hao, diêu diệt địch. Đến năm 1889, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.

5. Khởi nghĩa Hùng Lĩnh (1886-1892):

Tống Duy Tân cùng với Cao Điền dựng cờ khởi nghĩa ở Hùng Lĩnh (Thanh Hóa) cùng lúc với cuộc khởi nghĩa Phạm Bành, Đinh Công Tráng... Sau khi nghĩa quân Ba Đình bị tan rã, Tống Duy Tân tạm thời giấu lực lượng rồi lánh sang Trung Quốc. Năm 1888, ông trở về Thanh Hóa, tổ chức lại nghĩa quân, xây cứ điểm, đánh địch 6 năm ròng, lập nhiều chiến công. Năm 1892, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Tống Duy Tân bị giặc bắt và hy sinh anh dũng.

6. Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896):

            Năm 1885, Phạm Đình Phùng hưởng ứng “Chiếu Cần Vương”, mộ quân đánh Pháp, lập căn cứ ở vùng núi hai huyện Hương Sơn và Hương Khê (Hà Tĩnh), cầm cự với giặc trên mười năm. Cuối cùng năm 1895, Phan Đình Phùng lâm bệnh từ trần. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê tàn lụi dần. Đến đây cũng chấm dứt phong trào Văn thân chống Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ (1885-1896).

7. Khởi nghĩa Yên Thế (1887-1913):

Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) là một cố nông, quê ở làng Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên) tham gia khởi nghĩa ở Sơn Tây rồi lên Yên Thế, theo Đề Nắm chống Pháp, trở thành lãnh tụ của khởi nghĩa quân Yên Thế, bền bỉ chiến đấu suốt 25 năm, gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất. Bọn thực dân Pháp nhiều lần mở những cuộc tiến công lớn, hai lần phải đình chiến và dùng mọi thủ đoạn mua chuộc nhưng đều thất bại. Cuối cùng, chúng phải lập mưu sát hại Hoàng Hoa Thám (10-2-1913) mới dập tắt được cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

8. Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917-1918):

Ngày 30-8-1917, Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) lãnh đạo binh lính yêu nước khởi nghĩa ở Thái Nguyên, phá nhà lao thả tù chính trị, làm chủ thị xã trong 6 ngày. Đến ngày 10-01-1918, cuộc khởi nghĩa  bị thực dân Pháp dập tắt (cuộc khởi nghĩa này có Lương Ngọc Quyến, con trai cụ Lương Văn Can, tham gia lãnh đạo).

9. Cuộc khởi nghĩa Lạng Sơn (1921):

Mùa Thu năm 1921, Đội Ấn (người Tày) huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, tổ chức cuộc khởi nghĩa, nghĩa binh đánh vào trại lính khố xanh gần Kỳ Lừa, nghĩa quân diệt được tên Cung Khắc Đản, Tuần phủ ở Pắc Lương, huyện Yên Lãng, ít ngày sau cuộc bạo động cũng bị thực dân Pháp dập tắt.

10. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930):

Ngày 10-02-1930, cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy, nổ ra ở Yên Bái và một vài địa phương khác, nhưng đã bị thực dân Pháp dập tắt nhanh chóng.

Hơn 80 năm thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, nhân dân ta đã liên tục vùng lên đấu tranh để tự giải phóng, song các cuộc khởi nghĩa đó đều bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu và đã thất bại.

Mặc dù vậy, các cuộc đấu tranh ấy đã biểu thị tinh thần quật cường của dân tộc và góp phần đưa tới thắng lời của cuộc Cách mạng Tháng Tám do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

XXIII. VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ (02-9-1945)

THỦ ĐÔ HÀ NỘI

            Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dân tộc ta đã làm cuộc khởi nghĩa Cách Mạng tháng Tám (19-8-1945) thành công, đánh đổ phát xít Nhật và đế quốc Pháp. Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước Quốc dân và thế giới: nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tuyên ngôn nêu rõ:

            “… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…”

"… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết dem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên Ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử (đây chính là bản Tuyên Ngôn độc lập lần thứ ba của Tổ quốc ta) lập nên NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA - THỦ ĐÔ HÀ NỘI.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta;

Kỷ nguyên Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa Xã hội.

 

I.XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHẾ ĐỘ

DÂN CHỦ CỘNG HÒA (1945-1946)

A. Xây dựng Hiến pháp và Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Giành được độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không có quyền hưởng tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,…

Một Ủy ban dự thảo hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL, công bố ngày 20-9-1945, gồm 7 thành viên là: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.

Ngày 06-01-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra sôi nổi trong cả nước. Nhiều địa phương, nhất là ở Nam Bộ cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù. Nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử (riêng ở Sài Gòn, Chợ Lớn có 42 cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh).

Cuộc Tổng tuyển cử đã dược toàn dân tham gia rộng rãi, có địa phương đến 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái dân chủ khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái (87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ Cách Mạng), 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc ít người.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 đánh dấu mốc phát triển đầu tiên trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ trên đất nước Việt Nam.

Ngày 02-3-1946, 314 đại biểu Quốc hội đã họp kỳ thứ nhất tại Nhà Hát Lớn (Hà Nôi), do cụ Ngô Tử Hạ, đại biểu cao tuổi nhất, làm chủ tọa, và ông Nguyễn Đình Thi làm thư ký kỳ họp.

Quốc hội đã quyết định thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến và nhất chí bầu cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

 

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh Lãnh tụ Cách mạng Việt Nam, người sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành. Trong nhiều năm hoạt động  cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác (Lý Thụy, Anh Ba, Vương Sơn Nhi, Tràng Vương, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Thầu Chín)… Con của chí sĩ Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) và bà Hoàng Thị Loan, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ông xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước, thủa nhỏ thông minh hiếu học. Đến tuổi thiếu niên theo thân phụ vào Huế học tại trường tiểu học Đông Ba, Trường Trung học Quốc Học. Đầu năm 1911, Ông bỏ học với ý định ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trên đường vào Sài Gòn, Ông ghé Phan Thiết (thủ phủ tỉnh Bình Thuận, nay thuộc tỉnh Bình Thuận) dạy học một thời gian ngắn tại trường Dục Thanh do các nhà yêu nước lập ra. Sau ông vào Sài Gòn lấy tên là Ba, làm phụ bếp cho tàu buôn Amiral Larouche Tréville, rồi sang Pháp tìm hiểu tình hình thế giới. Tại đây, Ông liên hệ mật thiết với các nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường,… và đến các nước Anh, Đức, Mỹ… một thời gian ngắn.

Năm 1917, Ông tham gia đảng Xã hội Pháp, lập Hội những người Việt Nam yêu nước để tuyên truyền và giác ngộ Việt kiều ở Pháp. Năm 1919, Ông cùng các nhà yêu nước khác gửi đến Hội nghị Versailles một yêu sách gồm 8 điểm đòi tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của người Việt Nam với tên là Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1921, Ông tham gia Đảng Cộng Sản Pháp. Tại đại hội lần thứ 2 của Đảng Cộng Sản Pháp (1923) Ông được cử tham gia Chủ tịch đoàn Đại hội. Ở đây Ông và các đồng chí khác xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Cuối năm 1923, Ông sang Liên Xô với tư cách là đại biểu của nông dân các nước thuộc địa. Tại hội nghị quốc tế nông dân, Ông được bầu vào ban chấp hành quốc tế nông dân. Trong thời gian này, Ông đã làm việc ở Quốc tế Cộng sản và viết bài cho các báo Sự thật, Thư tín Quốc tế.

Cuối năm 1924, Ông về Quảng Châu (Trung Quốc) với tên Lý Thụy công tác trong phái đoàn Brodine (cố vấn của Liên Xô bên cạnh Chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc). Tại đây, Ông sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tập hợp các nhà yêu nước ở nước ngoài và tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông… Năm 1927, sau vụ khởi nghĩa Quảng Châu, Ông đi Liên Xô, Bỉ, Đức, Thụy Sỹ… Giữa năm 1928 về hoạt động ở Thái Lan và xuất bản báo Thân ái. Từ 3 đến 7 -02-1930 tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), Ông đại diện Quốc tế Cộng sản, chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các năm 1930 - 1931, tuy ở nước ngoài Ông vẫn theo dõi, chỉ đạo phong trào Xô Viết ở Nghệ Tĩnh và các tỉnh khác. Tháng 6 năm 1932, Ông bị mật thám Anh bắt tại Hương Cảng, đến đầu năm 1933mới được thả tự do, sau đó Ông trở lại Liên Xô học tại trường Đại học Lénine. Năm 1938, Ông về hoạt động ở Quảng Tây (Trung Quốc) trong đơn vị Bát lộ quân Trung Quốc. Đầu năm 1939, Ông liên lạc được với Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương qua xứ ủy Bắc Kỳ.

Cuối năm 1940, Ông về nước, lập căn cứ ở PắcBó (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) đào tạo cán bộ và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các hội Cứu quốc ở các địa phương để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Tháng 8 năm 1942, Ông lấy tên là Hồ Chí Minh rồi trở sang Trung Quốc liên lạc với các tổ chức cách mạng của người Việt Nam ở đó. Vừa đến biên giới thì bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam 1 năm. Trong thời gian ngồi tù Ông viết tập thơ Ngục Trung Nhật Ký (Nhật ký trong tù). Tháng 9 năm 1943, sau khi được trả tự do, Ông tiếp xúc với các tổ chức chống Pháp - Nhật của người Việt Nam ở Liễu Châu, bắt liên lạc được với Đảng rồi trở về nước lãnh đạo cách mạng. Cuối năm 1944, Ông thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và lập Khu giải phóng Việt Bắc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Ông chủ tọa Hội nghị Quốc dân toàn quốc (Đại hội Quốc dân). Tại Đại hội Ông được bầu làm Chủ tịch. Ngày 25-8-1945, Ông về Hà Nội chủ tọa phiên họp của Tổng bộ Việt Minh thành lập Chính phủ lâm thời.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đọc bản Tuyên ngôn độc lập do Ông viết, tuyên bố thành lập nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA chấm rứt chính quyền phong kiến, thực dân ngự trị lâu dài trên đất nước Việt Nam. Đến ngày 19-12-1946 do sự khiêu khích của thực dân Pháp, Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài đến năm 1954 - với chiến thắng ở Điện Biên Phủ - quân Pháp bị bắt buộc ký hiệp định Genève rút quân ra khỏi Việt Nam. Đầu năm 1955, Chủ tịch từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội trước sự đón tiếp tưng bừng của nhân dân Thủ đô. Các năm 1957 - 1960, Chủ tịch đi thăm các nước Xã hội Chủ nghĩa nhằm thắt chặt tình hữu nghị và tổng kết vấn đề chiến lược của cách mạng thế giới.

Sau khi Mỹ can thiệp vào miền Nam và chiến tranh xảy ra ác liệt ở cả hai miền, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt (27-3-1964) nhằm tăng cường khối đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi cho cách mạng.

Trong những năm cuối đời, sức khỏe giảm sút, Chủ tịch vẫn sáng suốt lãnh đạo nhân dân xây dựng và kháng chiến.

Ngày 2-9-1969 (lúc 9h 47 phút) Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi để lại sự thương tiếc khôn nguôi trong lòng nhân dân Việt Nam. Trước khi về thế giới bên kia, Chủ tịch có lời "Di chúc" về việc riêng "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng" (…)" tro chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một cho miền Bắc, một hộp cho miền Trung, một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để cho những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.

Trong Quốc tang lễ Chủ tịch, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc bài "Điếu văn" trong đó có đoạn:

"Dân tộc ta, nhân dân ta, nong sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta."

Một tác giả khuyết danh - trước đây ở Sài Gòn - trân trọng điếu Chủ tịch:

"Thế giới đạo tiên trình, Âu Á, kim vô hâu bối;

Vì nhân dân xã hội, Mã liệt chi hận hữu tiên sinh".

Nghĩa:

"Vạch ra con đường lên thế giới mới, xưa nay Âu Á chưa từng có như người;

Vì nhân dân của xã hội mới, sau Các Mác, Lênin chỉ có người mà thôi."

Không những là nhà cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn một nhà văn, nhà lý luận uyên thâm. Ông còn để lại cho đời các tác phẩm nổi tiếng:

- Đường Kách mệnh.

- Bản án chế độ thực dân Pháp.

- Con rồng tre.

- Nhật ký trong tù.

- Tuyên ngôn độc lập.

- Sửa đổi lề lối làm việc.

Và một số lớn thơ văn khác.

 

 


Nguồn tin: Doanh nghiệp Hoàng Nguyên
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 34
  • Khách viếng thăm: 33
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 7502
  • Tháng hiện tại: 115355
  • Tổng lượt truy cập: 57420733