Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng cựu binh Lê Văn Đông ở thôn Rẫy, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn nhớ như in trận hải chiến không cân sức giữa ta và địch trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam.
Đầu năm 1988, anh Đông cùng hơn 300 người con Quảng Bình tình nguyện vào Hải Quân, lên tàu ra Trường Sa xây dựng và bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Sau một thời gian quấy nhiễu, gây hấn, rạng sáng ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng chiếm đảo Gạc Ma và bắn chìm tàu HQ 406.
“Chủ trương của ta lúc đó là ra xây dựng các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao... nên tàu HQ 406 chở toàn lính công binh và đương nhiên không được trang bị vũ khí, hỏa lực tác chiến. Sau loạt đạn xối xả từ tàu Hải quân Trung Quốc, tàu HQ 406 bốc cháy và từ từ chìm xuống biển. Lúc đó trên tàu HQ 406 có chừng 120 chiến sỹ, nhiều người trúng đạn, còn tôi nhanh tay vơ vội được tấm ván trôi dạt trên biển, đến chiều thì bị tàu Trung Quốc phát hiện, bắt làm tù binh” - anh Đông nhớ lại.
Anh Đông bị trói gô đưa lên tàu chiến của Trung Quốc. Tại đây, anh nhận ra hai người đồng hương là anh Mai Xuân Hải ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch; Nguyễn Văn Thống ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cùng sáu đồng đội ở những địa phương khác cũng đang bị trói gô trên tàu. Sau gần một ngày trôi dạt trên biển, đói và khát nhưng phía Trung Quốc không cho ăn uống mà chỉ cho một ít nước để mọi người cầm hơi. “Nước đựng trong một cái cốc thủy tinh rất to nhưng chỉ tráng ở đáy. Chín anh em chúng tôi, chia nhau để đủ thấm vào môi cho đỡ khát” - anh Đông nhớ lại.
Mặc dù không được nhanh nhẹn, cường tráng như xưa, hậu quả sau những ngày tháng bị cầm tù ở Trung Quốc, nhưng anh Mai Xuân Hải vẫn nhận ra mình trong video trên mạng mà phía Trung Quốc công bố sau cuộc chiến Gạc Ma. Anh Hải đã ồ lên bất ngờ “đây đây... tui đây”, khi chúng tôi cho anh xem một đoạn video có người lính Việt Nam, chỉ độc chiếc áo may ô trên người, bị trói gô ngồi thu lu trên boong tàu.
“Tui đang bơi, thì phát hiện thấy tàu Trung Quốc tiến đến. Tui cố lặn ngụp để tránh bị chúng phát hiện, nhưng giữa mênh mông biển nước không biết trốn vào đâu. Chúng áp sát tàu, quăng dây, yêu cầu tôi níu vào dây để chúng kéo lên. Vừa bám vào được mạn tàu, một tốp lính Trung Quốc xúm lại, xách tui lên tàu, đè ngã ra trói quặt tay sau lưng. Người tui lúc đó đầy vết đạn, máu chảy khắp người, nhưng chúng không cho quần để mặc mà đấm đá túi bụi, rồi áp giải đến một góc riêng, lấy dây xích chân lại, không cho ngồi chung với đồng đội” - anh Hải kể.
Sau ba ngày, ba đêm, tàu Trung Quốc mới đưa các tù binh bắt được về giam cầm ở bán đảo Lôi Châu. “May khi về đến bến cảng của Trung Quốc thì xuất hiện người của Chữ Thập Đỏ can thiệp nên chúng tôi không bị đánh đập nữa. Chúng nhốt chúng tôi biệt lập mỗi người một phòng trong căn nhà tầng hai. Hai tháng đầu tiên cứ đến sáng, chiều là chúng dựng dậy hỏi cung: Ai chỉ huy, quân số bao nhiêu, vũ khí loại gì... Chúng tôi đều nói không biết. Là người lính, chúng tôi chỉ biết nhiệm vụ được giao là xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo” - anh Đông kể.
Không khai thác được gì từ những người lính kiên cường của Việt Nam, phía Trung Quốc mở chiến dịch tuyên truyền bẩn thỉu. Họ nói với những người lính Việt Nam, quần đảo Trường Sa là của Trung Quốc, do Việt Nam xâm chiếm nên họ mới đánh. Chừng một năm rưỡi giam cầm trong phòng kín, lính canh mới mở cửa phòng giam để mọi người ra ngoài hành lang tắm nắng. Đồng đội nhìn thấy nhau, ai cũng xanh lét, phù thủng. Mừng mừng, tủi tủi định hỏi chuyện nhau thì bị lính canh ngăn lại, cấm không cho tiếp xúc. “Mỗi bữa ăn là miếng bánh mì, một ít cơm, thêm ít nước gạo nhưng nhạt lắm, không có tí muối nào. Suốt mấy năm ăn nhạt thế, thêm thiếu ánh sáng nên anh em ai cũng bị phù thủng. May mà anh em không ai khuỵu ngã, vẫn đủ chín người cho đến khi được trao trả về Việt Nam theo đường ngoại giao” - anh Hải nói.“Từ bữa ngoài Hoàng Sa có chuyện đến giờ không buổi thời sự nào trên ti vi mà anh ấy không chăm chú ngồi xem. Dù có đi làm trên rẫy, xa mấy cũng chạy về xem cho được thời sự. Tui thì đàn bà, con gái không hiểu chi lắm về mấy chuyện chiến tranh, nhưng thấy anh ấy lo lắng đến mất ăn mất ngủ nên cũng lo theo”.
Chị Diện vợ cựu binh Gạc ma Mai Xuân Hải
Cần chuẩn bị tâm thế cho những cuộc nổ súng bất ngờ
Đúng 3 năm, 5 tháng, 15 ngày, đến đầu năm 1991 những người lính ra đảo Gạc Ma của chúng ta bị Trung Quốc bắt giữ mới được trao trả về Việt Nam. Họ trở về quê hương trong sự ngỡ ngàng, mừng, tủi của gia đình, làng xóm. Bởi trước đó, gia đình họ đã nhận được giấy báo tử từ đơn vị và ngay cả tấm bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma ở quân cảng Cam Ranh cũng có tên của họ.
Trở về sau cuộc chiến, những người lính Gạc Ma bị cuốn vào cuộc mưu sinh trên miền quê cát trắng gió Lào. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng đa phần họ đều có cuộc sống khó khăn, đặc biệt là những người lính từng bị giam cầm trong nhà tù Trung Quốc. Sức khỏe bị giảm sút, cuộc mưu sinh của họ càng bội phần chật vật. Như anh Mai Xuân Hải bị viêm phổi mãn tính do phải sống trong môi trường ẩm thấp của nhà tù. Đã 50 tuổi đời, nhưng anh vẫn chưa thể làm nổi ngôi nhà cho vợ con an cư cùng làng xóm. Mãi đến năm ngoái, các nhà hảo tâm đã quyên góp giúp anh xây nhà, nhưng ngôi nhà mới vẫn thiếu thốn trăm bề.
Mặc dù cuộc sống mưu sinh vẫn đè nặng lên đôi vai những cựu binh Gạc Ma ngày ấy, nhưng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và quấy nhiễu trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tinh thần quả cảm của những người lính Gạc Ma năm xưa như được hâm nóng. Chị Đinh Thị Diện, vợ của cựu binh Mai Xuân Hải cho biết: “Từ bữa ngoài Hoàng Sa có chuyện đến giờ không buổi thời sự nào trên ti vi mà anh ấy không chăm chú ngồi xem. Dù có đi làm trên rẫy, xa mấy cũng chạy về xem cho được thời sự. Tui thì đàn bà, con gái không hiểu chi lắm về mấy chuyện chiến tranh, nhưng thấy anh ấy lo lắng đến mất ăn mất ngủ nên cũng lo theo”.
Tiếp lời vợ, anh Hải nói: “Tui xem ti vi mà thấy lo quá! Họ ỷ mạnh hiếp yếu và chưa bao giờ thôi tham vọng bá chủ biển Đông. Việc họ đặt giàn khoan chỉ là cái cớ, nhìn cánh thức họ hành xử trên biển với ta, tui đồ rằng họ rất dễ manh động đơn phương khai chiến như hồi trận Gạc Ma. Tui mong Nhà nước ta cố gắng bằng con đường ngoại giao nhằm tránh xung đột, nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị tâm thế cho những cuộc nổ súng bất ngờ từ phía Trung Quốc”.
Cùng quan điểm với anh Hải, anh Đông cho rằng Trung Quốc đang tạo cớ để đánh chiếm biển Đông, hoặc chí ít sẽ biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông theo thuyết “đường lưỡi bò”.
Ý kiến bạn đọc