Quảng cáo top banner

Mời Họp : 17 - 8 - 2014

Đăng lúc: Thứ ba - 05/08/2014 01:05 - Người đăng bài viết: dulichhaiduong
BAN LIÊN LẠC CCB TRUNG ĐOÀN 29 BỘ BINH KHU VƯC PHÍA BẮC - TẠI HẢI DƯƠNG THÔNG BÁO : - Diễn văn lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn 29 bộ binh tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hải Dương, ngày 6-11-2011. Đề nghị các đồng chí tham gia !

-  Kính gửi : Ban liên lạc ccb Trung đoàn 29 bộ binh các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Bắc Ninh

      Để phục vụ cho công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Trung đoàn 29 bộ binh - quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn Lào (1971 - 1974) và giải phóng Căm Phu Chia thoát khỏi họa diệt chủng (1979 - 1989) ; tổ chức đi tìm đồng đội ở chiến trường xưa thuộc  khu vực huyện Mường Phìn, Pha Lan, Đồng Hến - tỉnh Sa Va Na Khet (Lào) vào tháng 11-2014 ; chuẩn bị tổ chức đoàn  ccb về thăm chiến trường xưa khu vực Đăk Mil tỉnh Đăk Nông  vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miên Nam và một số công tác khác ;

     Thành phần :  Thành phố Hà Nội (Đồng chí Phúc và 1 đồng chi) ; thành phố Hải Phòng (Đồng chí Mùi, đồng chí Thơm và 2 đồng chí) ; tỉnh Bắc Ninh (Đồng chí Viên và 1 đồng chí) ; tỉnh Tuyên Quang (Đồng chí Trọng và 2 đồng chí), tỉnh Hải Dương đồng chí Hạp, đc Hạnh và 2 đồng chi) :

      Thời gian : 9h ngày 17 - 8 - 2014 (Chủ Nhật)

       Địa điểm : Doanh nghiệp Hoàng Nguyên - Nhà hàng Siêu Thị Ốc - số  444 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương ;

      Vậy, trân trọng kính mời  và đề nghị các đồng chi thu xếp công việc, chuẩn bị đầy đủ nội dung đã nêu trên về dự để cuộc họp đạt kết quả tốt đẹp !

                                                                                   Trưởng Ban Liên lạc khu vực phía Bắc 

- Xin gửi nguyên bài diễn văn lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn 29 tổ chức tại Hải Dương, ngày 6-11-2011 : 12 h 55 ngày 24 - 9 - 2014 ;

BLLCCB TRUNG ĐOÀN 29           CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  SƯ ĐOÀN 968 - 307 QK5                   Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

                                                                        Hải Dương, ngày 06 tháng 11 năm 2011

 

DIỄN VĂN LỄ KỶ NIỆM 40 NĂM

Thành lập Trung đoàn 29 bộ binh anh hùng

quân tình nguyện giúp nước bạn Lào và Campuchia

(08-11-1971 - 08-11-2011)

 
  1

 

 

 

          Kính thưa đồng chí:...........................................................................

          Kính thưa đồng chí:...........................................................................

          Kính thưa đồng chí:…………………………………………………..Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;

          Kính thưa các quý vị đại biểu

          Thưa các đồng chí!

          Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn và sự quan tâm của UBND tỉnh Hải Dương, hôm nay trên mảnh đất Hải Dương địa nhân linh kiệt, Ban liên lạc CCB Trung đoàn 29 Bộ binh tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trung đoàn. Với niềm tự hào của đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước phong tặng do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với Tổ quốc và nhiệm vụ Quốc tế cao cả. Trong niềm vinh quang chiến thắng, nhưng chúng ta xúc động tưởng nhớ đến các đồng chí đồng đội của chúng ta đã hy sinh và vẫn còn nằm lại ở các chiến trường chưa về được với quê hương với Tổ quốc. Thay mặt các đồng chí nguyên là cán bộ Ban chỉ huy Trung đoàn, các cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 29 đã nghỉ hưu, chuyển ngành, các đồng chí là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ, tôi xin gửi lời chào mừng đến các quý vị đại biểu và các đồng chí có mặt trong buổi lễ kỷ niệm hôm nay.Kính chúc các quý vị đại biểu khách quý và các đồng chí mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc!.

          Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trung đoàn 29 bộ binh, quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Lào, Campuchia (8-11-197-8-11-2011). Tôi xin báo cáo khái quát một số nét về Trung đoàn, đơn vị anh hùng LLVTND, 40 năm thành lập, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.

          Kính thưa các quý vị đại biểu!

          Thưa các đồng chí!

          Sau thắng lợi lịch sử của "Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1968", Mỹ, Ngụy thất bại trên nhiều chiến trường, buộc phải xuống thang ngừng ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận Hội nghị bốn bên tại Pari. Tiếp đến địch lại thất bại nặng nề tại đường 9 Nam Lào đầu năm 1971, nên chúng càng điên cuồng đánh phá và lấn chiếm vùng giải phóng của nước bạn Lào và ngăn chặn đường vận chuyển chiến lược của ta. Cách mạng nước ta và nước bạn Lào đã mở ra thời cơ mới, phát triển cả thế và lực trên chiến trường. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 08 tháng 11 năm 1971 Trung đoàn 29 bộ binh được thành lập (gồm một số đơn vị từ Mặt trận R9 chuyển sang) tại huyện Pha Lan, tỉnh Xavanakhet (Lào), trực thuộc Bộ Tư Lệnh 559.

          Tháng 10 năm 1971, Bộ Tư Lệnh 559 đã điều 2 tiểu đoàn 4 và 5 của đoàn 565 làm nòng cốt cùng một số đơn vị khác vào Trung đoàn 29. Hoạt động chủ yếu trên hướng đường số 9, từ Mường Phin, Pha Lan, Đồng Hến thuộc tỉnh Xavanakhet, để chuẩn bị thế trận trước vào mùa khô 1971 - 1972 lịch sử.

          Ban chỉ huy Trung đoàn gồm:

         - Đồng chí Trung tá Tô Đình Khản, chỉ huy Mặt trận R9 làm Trung đoàn trưởng;

         - Đồng chí Thiếu tá Hoàng Căn Nguyên, từ Mặt trận R9 sang làm Chính ủy;

         - Đồng chí Thiếu ta Nguyễn Văn Hiếu, từ Mặt trận R9 sang làm Trung đoàn phó;

         - Đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Hồng từ Bộ tư lệnh 559 vào làm phó Chính ủy.

         Đầu năm 1972, ổn định tổ chức biên chế, trên điều động đồng chí Hoàng Văn Tiệm, giáo viên chiến thuật Học viện quân sự Bộ Quốc Phòng về làm Trung đoàn trưởng; đồng chí Thiếu tá Nguyễn Xuân Hiện, phó Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị BTL 559 về làm Chính ủy Trung đoàn thay đồng chí Tô Đình Khản và đồng chí Hoàng Căn Nguyên đi nhận nhiệm vụ mới.

        Biên chế của Trung đoàn có 3 Tiểu đoàn bộ binh: Tiểu đoàn 4 bộ binh (thành lập tháng 2/1965 thuộc E27 - QK4). Tháng 10- 1965 sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào thuộc đoàn 565. Thành tích của Tiểu đoàn 4 gắn liền với chiến thắng đường số 8, 12 giải phóng huyện Ma-Hả-Xây, Pha-Hom, Bản Thảm phía Tây trục đường 13. Tháng 6-1966 Tiểu đoàn 4 về nước. Tháng 6-1967 Tiểu đoàn 4 lại sang tiếp tục giúp bạn vùng Trung Lào và Hạ Lào, thuộc đoàn 565. Nét nổi bật đặc biệt của Tiểu đoàn 4 là cơ động nhanh, chiến đấu ngoan cường, sở trường đánh giữ chốt và đánh vận động tấn công ở địa hình rừng núi…

       Tiểu đoàn 5 bộ binh thuộc E27 QK4 được điều động sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào thuộc đoàn 565. Hoạt động ở phía Bắc và Nam đường 9; chiến công của Tiểu đoàn 5 là gắn với chiến thắng Mường Phìn, Pha Lan, Đồng Hến. Ngoài ra Tiểu đoàn 5 còn làm nhiệm vụ luôn luồn sâu vào địch hậu Căm Kớt, Át Xa Phăng Thon, Keng Kook để gây cơ sở và ngăn chặn lấn chiếm. Trong những năm tháng công tác, chiến đấu đầy nguy hiểm gian khổ, ác liệt nhưng cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 5 đã vượt lên mọi gian nan, một lòng vì nghĩa vụ quốc tế và nhiệm vụ quốc gia. Đơn vị đã đánh 76 trận cấp Tiểu đoàn, 14 trận cấp Tiểu đoàn thiếu, 23 trận cấp Đại đội và còn lại cấp Trung đội và Đại đội thiếu; tiêu diệt 786 tên địch, bắt sống 480 tên, thu 860 súng các loại, phá hủy 2 pháo 105 ly, bắn cháy 34 ô tô vận tải và phương tiện chiến tranh khác.

     - Tiểu đoàn 6 bộ binh thuộc Sư đoàn 320 được Bộ điều động sang. Trung đoàn 29 thời gian này đã có các đại đội trực thuộc, gồm: Đại đội Thông tin, Đại đội Công Binh, Đại đội Trinh sát, Đại đội Vận tải, Đại đội DKZ, Đại đội Xe tăng, Đại đội Quân y 45.

      Do yêu cầu nhiệm vụ, ngày 16/7/1972 thành lập thêm một Tiểu đoàn pháo mang phiên hiệu D24 gồm có; Đại đội ĐKB, Đại đội 11 pháo 85 nòng dài, Đại đội 12 cối 82 và 120ly, Đại đội 42 phòng không 14,5 ly và Đại đội 21 pháo phòng không 23 ly.

      Trung đoàn 29 bộ binh và Trung đoàn độc lập, có phối hợp với Sư đoàn 968 trong chiến đấu và giúp bạn trong đội hình quân tình nguyện. Nhiệm vụ chính là giữ vững và mở rộng vùng giải phóng cho nước bạn Lào và bảo vệ hành lang chiến lược vận chuyển tuyến đường 559 - (đường mòn Hồ Chí Minh).

       Kính thưa các quý vị đại biểu!

       Thưa các đồng chí!

       1. Giai đoạn 1971 - 1974:

        Trung đoàn 29 bộ binh đã có 4 năm gắn bó với chiến trường Nam Lào, cùng bạn bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Trung và Nam Lào. Thực hiện chủ trương của Bộ…" chuẩn bị đầy đủ và tích cực cho cả hai tình huống chiến lược, phải giúp nước bạn Lào với sự cố gắng nhất, thắng lợi lớn nhất, tạo thế có lợi cho nước bạn khi tình hình đi vào giải pháp chính trị…đây là yêu cầu thiết tha của Bạn…"

        Để phá tan âm mưu và ý đồ của địch là thu hút lực lượng của ta trên chiến trường miền Nam, ngăn chặn ta phát triển vào Pắc Xế và Không Xê Đôn, làm suy yếu lực lượng Pha Thét Lào, đồng thời đánh chiếm vùng giải phóng của ta ở Pắc Xòng, Xa Na Van, Át Tô Pư. Trước tình hình đó, Bộ Tư Lệnh 559 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn hoạt động trên đường số 9, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch ra thị trấn Đồng Hến, sẵn sàng đánh chiếm Keng KooK, Bun Xạng, Na Ha Nậm, giữ vững khu vực đường số 9, chủ yếu khu vực Pha Lan, Đồng Hến để lực lượng chủ yếu của Sư đoàn 968 bao vây đánh Pắc - Xế; nếu địch rút chạt ta nhanh chóng đánh chiếm thành phố…

        Cuối năm 1972, đầu năm 1973, với âm mưu mở rộng và giành thế chủ động, địch đã dùng 4 Trung đoàn (GM 30, 31, 32, 33…) tấn công vào đội hình Trung đoàn 29 Bộ binh. Trước tình hình đó, Bộ điều động một số đơn vị chủ lực và Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, đồng thời Bộ tư lệnh 559 cho thành lập Trung đoàn 39 để cùng phối hợp chiến đấu trên toàn mặt trận. Mỹ đã dùng B52 rải thảm vào đội hình Trung đoàn 29 và toàn mặt trận (có ngày từ 3 giờ sáng đến 9 giờ , có tới 39 lần chiếc B52). Thời gian này, khu vực Pha Lan và Đồng Hến là một chiến trường ác liệt, như một chảo lửa…,địch và ta giành nhau từng thước đất, góc bản, từng khu rừng…Trong thời gian hơn một tháng chúng ta giành thế chủ động giữ vững vùng giải phóng, tạo thế thuận lợi cho nước bạn Lào.

        Ngày 21/3/1973, Hiệp định Viên Chăn được ký kết. Trung đoàn 29 đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu giúp bạn. Để phụ hợp với điều kiện và ý nghĩa chính trị, Trung đoàn được đổi phiên hiệu sang Công trường 29, vũ khí được đổi tên là công cụ lao động và quần áo chuyển sang màu xanh công nhân. Trên thực tế, chúng ta vẫn phải bảo vệ vùng giải phóng, chống địch lấn chiếm, không thực hiện hiệp định và giúp nước bạn Lào xây dựng chính quyền, huấn luyện quân sự…Nhiều đơn vị giúp dân bạn kéo cày thay trâu, cuốc ruộng giúp dân bản trồng lúa, rà phá bom mìn giúp nhân dân bạn cải tạo đồng ruộng, nương rẫy, tăng gia sản xuất và chữa bệnh cho người dân…nên được nhân dân bạn tin yêu. Trong thời gian này, Bộ tư lệnh 559 lại điều động đồng chí Trung tá Hoàng Văn Tiệm Trung đoàn trưởng đi nhận công tác khác, đồng chí Thiếu tá Nguyễn Đình Minh về làm Trung đoàn trưởng.

      Tháng 7-1974, Trung đoàn chính thức về đội hình thuộc Sư đoàn 968, nhưng vẫn đóng quân tại Khu vực bản Thổ huyện Pha Lan, tiếp tục giúp bạn.

      Ngày 20/12/1974, Trung đoàn rời Pha Lan, trong đội hình Sư đoàn 968 hành quân về Miền Nam nhận nhiệm vụ mới.

      2. Giai đoạn 1974-1978:

      Ngày 25/12/1974 Trung đoàn trong đội hình sư đoàn 968 từ Xa Na Van về đội hình Bộ Tư Lệnh B3 (mặt trận Tây Nguyên) nhận nhiệm vụ và chuẩn bị chiến trường (Sư đoàn 10 đang chốt giữ phía Bắc Công Tum). Nhiệm vụ chính của Trung đoàn thực hiện nghi binh chuẩn bị chiến trường đánh lớn từ hướng Bắc tỉnh Công Tum và phải giữ vững vùng giải phóng, chốt giữ và đánh chặn tiêu hao sinh lực địch, làm cho địch chú ý tập trung quân phòng thủ Công Tum. Việc thay chốt của (Sư đoàn 10) vào ban đêm và giữ bí mật tuyệt đối không để địch phát hiện ra ta thay đổi quân.

     Chỉ huy Trung đoàn thời gian này gồm có:

    - Đồng chí Thiếu ta Nguyễn Văn Vẻ, Trung đoàn trưởng;

    - Đ/c Thiếu tá Tống Lê Dương, Chính ủy Trung đoàn;

    - Đ/c Thiếu tá Trịnh Tồn, Trung đoàn phó;

    - Đ/c Thiếu tá Nguyễn Văn Hồng, Phó chính ủy;

     Kính thưa các quý vị Đại biểu!

     Thưa các đồng chí!

     Đối tượng tác chiến của Trung đoàn 29 đã thay đổi, chiến thuật, địa hình và phương tiện chiến tranh…Đây là một thử thách lớn đối với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn. Các phương án tác chiến đã được thực hiện. Toàn bộ phòng tuyến các điểm thay chốt phía Bắc tỉnh Công Tum đã không bị địch phát hiện. Tiểu đoàn  bộ binh chốt chặn cao điểm 601 cách Tây quốc lộ 15:5 km, cơ động đánh địch trên quốc lộ 14; Tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 6 bộ binh ở Bắc Tin Đông Bắc Võ Định. Mặc dù mới nhận nhiệm vụ, nhưng cán bộ chiến sỹ toàn Trung đoàn đã đồng loạt triển khai tác chiến, đánh nhiều trận cấp đại đội khi địch lấn chiếm. Điển hình là Bãi Ủi, đồi Cà phê…đặc biệt Trung đoàn cũng có những trận đấu pháo đánh trả địch gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Ngoài các nhiệm vụ chốt giữ, giữ vững vùng giải phóng và tiêu hao sinh lực địch, Trung đoàn còn điều một số Tiểu đoàn, Đại hội thọc sâu đánh sau lưng quân địch, quấy rối, nghi binh…có những Binh đoàn lớn triển khai chiến dịch giải phóng Công Tum…Quân địch thất thủ trước Buôn Mê Thuật đã hoang mang, không kịp trở tay, 5 giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm 1975 ta đồng loại nổ súng tấn công, đến 11 giờ cùng ngày Trung đoàn giải phóng hoàn toàn thị xã Công Tum. Kết quả ta tiêu diệt 197 tên, bắt sống 94 tên, gọi đầu hàng trăm tên, thu hàng nghìn súng các loại, bắn cháy 26 xe quân sự.

      Ngày 20/3/1975 Trung đoàn về làm Quân quản ở thị xã Buôn Mê Thuật và tỉnh Đăk Lăk, xây dựng chính quyền, truy quét tàn quân địch, đặc biệt là lực lượng PhulRô và chống bạo loạn lật đổ ở khu vực Tây Nguyên. Tháng 8 năm 1975 Trung đoàn chuyển về huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Lăk (tỉnh Đăk Nông ngày nay). Trung đoàn bộ và các đại đội trực thuộc đóng quân tại xã Đức Minh, huyện Đăk Mil. Thời gian này, Trung đoàn tập trung củng cố, huấn luyện xây dựng đơn vị, tham gia nhiều chiến dịch truy quét Phun Rô, trấn áp bọn tàn quân, bọn phản động ở các tỉnh Tây Nguyên như khu vực Đăk Mil, Buôn Hồ, Pu Pơ Răng, phía Bắc thị xã Buôn Mê Thuột. Cheo Reo - Phủ Bổn, A Jun Ba…; chốt và bảo vệ tuyến biên giới khu vực đồn 7, đồn 8. Kết quả ta tiêu diệt 27 tên, bắt sống và gọi hàng trăm tên trong đó có tên trung tá quận trưởng Buôn Hồ, thu 32 súng.

     Tháng 12/1976 Trung đoàn tách khỏi đội hình Sư đoàn 968, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của QK5. Toàn Trung đoàn lại được lệnh lên đường di chuyển về Pơ Lây Cần, tỉnh Công Tum, tiếp tục tăng gia và huấn luyện chờ lệnh là lên đường giúp nước bạn Lào - vì các tổ chức phản động đang đe dọa cách mạng Lào. Trong khi cây trồng chưa xanh lá, nhà ở chưa ấm hơi người; toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, bọn phản động Pôn Pốt, Iêng Xa Ri được các thế lực phản động xúi dục đã tiến hành chiến tranh xâm phạm biên giới lãnh thổ nước ta, chúng gây nhiều tội ác với nhân dân, hàng nghìn người dân vô tội ở các tỉnh biên giới đã bị giết hại. Trung đoàn lại được lệnh điều động về huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Lawk, bảo vệ biên giới phía Tây Nam khu vực đồn 7, đồn 8…và trấn áp, ngăn chặn bọn phản động Pôn Pốt, Iêng Xa Ri lấn chiếm nhiều bản, xã biên giới Tây Nam thuộc tỉnh Đăk Lawk.

     Tháng 01/1978 Trung đoàn nhận nhiệm vụ của Quân khu 5 thọc sâu đánh địch ở Buôn Đôn Ki Ri, cứ điểm 101.04 giờ sáng ngày 16/02/1978 ta nổ súng tấn công, sau 40 phút làm chủ chiến trường tiêu diệt tại chỗ 36 tên, thu 45 súng các loại, phá hủy 01 kho quân trang. 30/7/1978 Trung đoàn về đội hình Sư đoàn 307. Ngày 01/8/1978 Trung đoàn về làm nhiệm vụ ở Na Ta Ka Ri, Tiểu đoàn 5 vận động tấn công tiêu diệt 195 tên, thu nhiều vũ khí các loại. Tháng 12/1978 Trung đoàn được lệnh rút về biên giới củng cố lực lượng để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

     3. Giai đoạn 1979 - 1988:

    Chỉ huy Trung đoàn thời gian đầu gồm có:

    - Đ/c Trung tá Hoàn cường, Trung đoàn trưởng;

    - Đ/c Trung tá Trương Lạch, Chính ủy trung đoàn;

    - Đ/c Thiếu tá Trần Mỹ Thiệp, Phó chính ủy Trung đoàn;

    - Đ/c Thiếu tá Nguyễn Trọng Oánh, Trung đoàn phó.

     Trung đoàn vinh dự được đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Camphuchia trong đội hình Sư đoàn 307 mặt trận 579, Quân khu 5. Ngày 01/01/1979 Trung đoàn 29 trong đội hình Sư đoàn tấn công qua biên giới có xe tăng, xe bọc thép, pháo 122 ly, 130 ly và máy bay yểm trợ, lần đầu tiên Trung đoàn trong đội hình quân binh chủng hợp thành tấn công và giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia: Môn Đôn Ki Ri, Na Ta Ka Ri, STung Cheng, Pret Vi Hia.

     Đến ngày 07/01/1979 đất nước Campuchia hoàn toàn giải phóng thoát khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt Iêng Xa Ri. Trung đoàn tiếp tục tham gia công tác giúp bạn củng cố, xây dựng chính quyền, huấn luyện xây dựng lực lượng quân đội Campuchia (thành lập Trung đoàn 19 cho bạn); truy quét bọn tàn quân, tham gia các chiến dịch tiêu diệt địch trên tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan như chiến dịch X2 tháng 3/1983. Chiến dịch M1 tháng 3/1984, chiến dịch K3 tháng 3/1985. Trong các chiến dịch trên Trung đoàn đã làm chủ các trận địa, diệt 348 tên địch, gọi đầu hàng trăm tên, thu 492 súng các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác.

     Kính thưa các quý vị Đại biểu!

     Thưa các đồng chí!

      Do yêu cầu nhiệm vụ nên trong giai đoạn này chỉ huy Trung đoàn luôn thay đổi. Tháng 4/1980 Đ/c Trung tá Nguyễn Trọng Thể phòng tác chiến Quân khu 5 được điều động về thay đ/c Hoàng Cường; Đ/c Thiếu tá Nguyễn Văn Thảng về thay đ/c Trương Lạch để các đ/c đi nhận nhiệm vụ mới. Năm 1983 đ/c Thiếu tá Nguyễn Lương Chất về thay đ/c Nguyễn Trọng Thể; đ/c Hà Quang Hán chính ủy thay đ/c Nguyễn Văn Thảng. Năm 1984 đ/c Nguyễn Văn Viên trung đoàn trưởng thay đ/c Nguyễn Lương Chất. Năm 1985 đ/c Đại úy Nguyễn Xuân Nghị trung đoàn trưởng thay đ/c Nguyễn Văn Viên; đ/c Đại úy Trần Khắc Hợi chính ủy thay đ/c Hà Quang Hán.

       Suốt 10 năm chiến đấu giúp bạn, Trung đoàn 29 Bộ binh đã tham gia 659 trận đánh lớn nhỏ, trong đó cấp Trung đoàn 28 trận, cấp Tiểu đoàn đủ và thiếu 288 trận, cấp Đại đội 207 trận, cấp Trung đội tăng cường 136 trận. Tiêu diệt tại chỗ 1.316 tên địch, bắt địch ngầm 141 tên, làm bị thương 234 tên, bắt sống 540 tên, gọi hàng 448 tên cùng chính quyền nhân dân gọi ra trình diện 1.689 tên địch, hoạt động 2 mặt ra tự thú 672 tên, thu 2 kho quân trang, quân dụng, 88.400 lít xăng dầu, 270 đầu máy khâu, phá hủy 01 kho đạn, thu giữ 01 kho lương thực, 01 kho thực phẩm và 01 kho quân y, làm mất tác dụng 4.821 quả mìn các loại và nhiều phương tiện quân sự khác.

      Tháng 12/1988 Trung đoàn trong đội hình Sư đoàn 307 rút quân về nước, trong tình cảm lưu luyến lúc chia tay với những nụ cười đầy nước mắt, nhớ nhung của mỗi người dân Campuchia với quân tình nguyện Việt Nam. Tạm biệt đất nước Chùa tháp - Campuchia, Trung đoàn 29 về nước đóng quân tại Đức Cơ, tỉnh Gia lai củng cố đơn vị sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

       4. Giai đoạn 1989 - 2011:

       Tháng 4/1989 Trung đoàn hành quân về vị trí mới đóng quân tại xã thổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiệm vụ của Trung đoàn là: Xây dựng huấn luyện lực lượng dự bị động viên - Là một bộ phận trong xây dựng Quân đội vững mạnh, là một trong những nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

       Kính thưa các quý vị Đại biểu!

       Kính thưa các đồng chí!

       Chỉ huy Trung đoàn giai đoạn này là đ/c Nguyễn Văn Nghị và đ/c Trần Xuân Tiệu, đ/c Nguyễn Văn Toàn, đ/c Võ Văn Mười, đ/c Nguyễn mậu Ngọc.

      Trung đoàn đã tham gia diễn tập cấp Trung đoàn lần, phúc tra đưa vào biên chế 2.500 quân nhân dự bị, trong đó có 143 sĩ quan, 125 đảng viên, 825 đoàn viên. Hiện tại Trung đoàn được biên chế đủ đầu mối, 4 cơ quan, 03 Tiểu đoàn, 08 Đại đội trực thuộc.

      Qua 40 năm chiến đầu, xây dựng và trưởng thành - làm nhiệm vụ quốc tế cao cả với 2 nước bạn Lào - Campuchia và nhiệm vụ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Trung đoàn không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn đã có nhiều cống hiến to lớn cả bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt…Nhiều đồng chí đã ngã xuống để tô thắm mầu cờ Tổ quốc và nhiệm vụ Quốc tế cao cả. Trung đoàn đã vinh dự và tự hào được đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước phong tặng.

      Ngày 30/8/1989 Trung đoàn 29 Bộ binh được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại đội 6, tiểu đoàn 4 Bộ binh làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào năm 1973 cũng được phong tặng danh hiệu "anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; cá nhân có đ/c Lê Xuân Bồng - Đại đội trưởng đại đội 9 đực phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trung đoàn đã 12 lần được tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng và cờ luân lưu, 22 đơn vị được thưởng huân chương chiến công các loại, 129 đơn vị được tặng Bằng khen, 534 Giấy khen.

        Về cá nhân: Trên 100 đ/c được tặng huân chương chiến công các loại, 4.345 đ/c được tặng Bằng khen, Giấy khen. Những phần thưởng cao quý, những thành tích to lớn và kết quả đạt được trong suốt 40 năm qua đã khẳng định bản chất, truyền thống tốt đẹp của cán bộ chiến sỹ trong Trung đoàn, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng với Tổ quốc với nhân dân. Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và tình đoàn kết gắn bó keo sơn của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

       Kính thưa các quý vị Đại biểu!

       Thưa các đồng chí!

       Chúng ta đang sống trong hòa bình, tràn đầy hạnh phúc, nhưng vẫn còn nhiều đồng chí, đồng đội là cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 29 đã nằm lại ở khắp các chiến trường, như Tây Nguyên, bên nước bạn Lào và Campuchia, Ban liên lạc hoan ngênh các đồng chí Lê Văn Hạnh (tỉnh Hải Dương), đ/c Trung tá Lê Xuân Trọng, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 (tỉnh Tuyên Quang), đ/c Lã Quốc Hùng nguyên trợ lý tác chiến Tiểu đoàn 4 (tỉnh Bắc Giang) và một số đồng chí khác đã có kế hoạch tổ chức để sang nước bạn Lào đưa hài cốt của đồng đội về với gia đình, quê hương Việt Nam. Ban liên lạc chân thành cảm ơn và mong các đồng chí nhiệt tình tham gia, ủng hộ tinh thần cũng như vật chất để kế hoạch trên đạt được kết quả như mong muốn.

       Để nghị các đồng chí trong Ban liên lạch Trung đoàn 29 ở các tinh, thành phố trong cả nước, hàng năm đến ngày mùng 8/11 tổ chức cho anh em gặp mặt để động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời ôn lại truyền thống của Trung đoàn 29 bộ binh anh hùng.

       Nhân lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trung đoàn, theo quy định và được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban chỉ huy Trung đoàn 29, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn trao kỷ niệm chương cho 500 đồng chí đã có công lao cống hiến, thành tích trong xây dựng và chiến đấu của Trung đoàn.

      Quá khứa, hiện tại và tương lai đã hòa chung vào một dòng chảy, đó là truyền thống anh hùng. Không có sự kết tục sẽ không có sự phát triển truyền thống Trung đoàn 29 trong 40 năm qua. Đó là tài sản vô giá được đổi bằng xương máu của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trung đoàn ở gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước - là niềm tự hào vinh quang để nâng bước mối cán bộ chiến sỹ Trung đoàn đi lên phía trước và của mỗi cán bộ chiến sĩ là Cựu chiến binh Trung đoàn, luôn sống và làm việc, mãi mãi xứng đáng là Cựu chiến binh Trung đoàn 29 bộ binh anh hùng và bản chất anh bộ đội Cụ Hồ.

        Giờ đây trên mọi miền Tổ quốc, Trung đoàn 29 bộ binh có hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ đã nghỉ hưu, chuyển ngành, là thương binh, bệnh binh đã trở về với cuộc sống đời thường hoặc đang công tác trên các cương vị lãnh đạo, là công chức, viên chức và các ngành nghề chuyên môn khác đã phát huy được bản chất truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ. Có nhiều đồng chí trưởng thành sau năm tháng ở chiến trường trở về, dày công học tập, nghiên cứu khoa học trở thành những Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhiều đồng chí là Giám đốc các Sở; Giám đốc, Tổng Giám đốc trong các đơn vị kinh tế Nhà nước…Nhiều thương binh, bệnh binh thực hiện đốt lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế" đã tự vươn lên làm giàu chính đáng, hoạt động tình nghĩa. Biết đoàn kết, yêu thương nhau, cùng nhau tạo dựng doanh nghiệp, làm ăn chân chính, tổ chức tạo công ăn việc làm cho anh em, con cháu của thương bệnh binh, góp phần đáng kể vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phấn đầu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

       Kính thưa các quý vị Đại biểu!

Thưa các đồng chí!

     Một lần nữa thay mặt Ban liên lạc CCB Trung đoàn 29 bộ binh anh hùng, kính chúc các quý vị đại biểu và các đồng chí mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc.

    Nhân dịp lễ kỷ niệm trọng thể này, tôi xin gửi lời thăm hỏi và kính chúc cskhoer đến các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và các đồng chí là CCB Trung đoàn 29 bộ binh không đến dự trong buổi lễ hôm nay.

    Xin trân trọng cảm ơn!

                                                                                                                            Đại tá  Đoàn Trọng Hạp 

                                                         

 

(đ/c Lê Văn Hạnh nguyên Bảo mật của Trung đoàn 29 - thư ký tổng hợp qua báo cáo và bản thảo của các đồng chí Nguyễn Thọ Mùi, Nguyễn Văn Thơm, Lê Xuân Trọng, Nguyễn Ngọc Đẩu (Cơ Yếu) ... và của nhiều đồng chí trong Ban chỉ huy Trung đoàn qua các thời kỳ. Chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót mong các đồng chí tham gia thêm và thông cảm với chúng tôi. Trân trọng ! 

 

 

 

 

                                                                                                     

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 36
  • Khách viếng thăm: 35
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 7445
  • Tháng hiện tại: 115298
  • Tổng lượt truy cập: 57420676