“Bảo vệ nguồn lợi Hải Dương” chỉ là cái cớ !

Đăng lúc: Thứ tư - 21/09/2011 21:04 - Người đăng bài viết: admin
“Bảo vệ nguồn lợi Hải Dương” chỉ là cái cớ !

“Bảo vệ nguồn lợi Hải Dương” chỉ là cái cớ !

- Lệnh cấm phi pháp, phi nhân tính. Biển Đông là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Bao đời nay, ngư dân Việt Nam vẫn đánh bắt cá một cách hoà bình trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Thế nhưng, những năm gần đây, gần như cứ đến tháng 5, Trung Quốc lại đơn phương

 

đưa ra quy định cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển Đông lấy lý do là “nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi hải dương” ở biển Đông.

Ngày 11-5-2011 vừa qua, vẫn tấn tuồng cũ, Trung Quốc lại tiếp tục đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá phi lý này bằng cái gọi là “Thông báo về phương án công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt cá ở khu vực biển Đông năm 2011” từ 12 giờ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 01-8, từ toạ độ 12 độ vĩ bắc tới 113 độ kinh đông. Bản tin này được đăng tải trên trang Thông tin của Chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Toạ độ trên kéo dài từ khu vực gần đảo Hải Nam đến tận Nha Trang làm “bịt” đường ra biển của ngư dân Việt Nam.

Thời điểm này bắt đầu vào vụ cá Nam, vụ cá quan trọng nhất trong năm đối với bà con ngư dân Việt Nam bởi sản lượng cá vụ này thường chiếm khoảng 70% sản lượng của cả năm. Vì vậy, lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của Trung Quốc trong gần ba tháng của vụ cá Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân Việt Nam. Song song với lệnh cấm đánh bắt thuỷ sản, họ huy động lực lượng hải giám, ngư chính, hải quân tuần tra kiểm soát gắt gao trên đường biển Đông kể cả trên những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đuổi bắt ngư dân Việt Nam, tịch thu tàu cá, ngư cụ, giam cầm, ngược đãi, đòi tiền chuộc; sử dụng tàu công suất lớn chạy với tốc độ cao gây sóng lớn làm nguy hiểm cho tàu thuyền của ngư dân Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu, nổ súng vào ngư dân Việt Nam. Lối hành sử bất chấp luật pháp và phi nhân tính của các lực lượng ngư chính, hải giám, hải quân Trung Quốc thường xuyên “thao diễn” trên biển Đông trong thời gian qua đã tạo ra tâm trạng hoang mang, lo sợ và nỗi ám ảnh đối với ngư dân Việt Nam. Nhiều ngư dân Việt Nam đã trắng tay, mất phương tiện làm ăn, phải bán nhà để sắm lại thuyền, hoặc phải bỏ nghề vì không đủ tiền mua sắm lại phương tiện đánh bắt, gây nên cảnh khốn cùng cho những ngư dân nào chẳng may rơi vào tay họ.

Thiết nghĩ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải có giải pháp chấm dứt những hành động bạo hành trên biển Đông để không làm tổn hại đến hình ảnh của một đất nước, một chế độ luôn nhân danh đứng về phía nhân dân, đứng về phía những người cần lao, thì không có lý do gì lại có những hành động bức hại ngư dân Việt Nam đến như vậy!

Không chỉ có vậy, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc rõ ràng là rất phi lý. Bởi “phạm vi điều chỉnh” của lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc bao gồm cả những vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng lại không có sự đồng ý của Việt Nam. Rõ ràng “lệnh cấm” đó là phi lý, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; không tuân thủ Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Bảo vệ nguồn lợi hải dương?

Trung Quốc nêu lý do lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là “nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi hải dương” thì rõ ràng là không thuyết phục, nếu không muốn nói là vô lý và ích kỷ. Một bản nghiên cứu phân tích cho thấy rõ sự vô lý của cái gọi là “nhằm bảo vệ, bảo vệ nguồn lợi hải dương” ở ngư trường biển Đông. Các nhà hải dương học cho rằng ngư trường là các điểm hội tụ và phân kỳ của dòng hải lưu. Dòng hải lưu (hay thường gọi là dòng chảy) trên biển mang theo các chất phù du từ các cửa sông ra, từ vùng biển khác. Trong nghề cá, người ta quan tâm đến dòng hải lưu chảy ở tầng mặt được hình thành chủ yếu do gió hoặc do sự hoàn lưu nhiệt. Các đàn cá đều tập trung ở các vùng mà dòng hải lưu hội tụ hay phân kỳ để tìm thức ăn. Do đó dòng hải lưu đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình di cư và phân tán của các sinh vật, trong đó có cá.

Biển Đông Việt Nam có hai mùa gió rõ rệt. Mùa gió Tây Nam khoảng từ tháng 4 đến tháng 9. Mùa gió Đông Bắc khoảng từ tháng 10 đến tháng 3. Hai mùa gió này đã hình thành hai mùa đánh cá chính của ngư dân Việt Nam. Mùa vụ Nam, đàn cá từ phía bờ biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam di cư về phía bờ biển Trung Quốc. Mùa vụ Bắc, đàn cá từ bờ biển Trung Quốc di cư về phía bờ biển miền Trung Việt Nam. Mùa vụ Nam chiếm khoảng 70% sản lượng cá biển ở các tỉnh miền Trung Việt Nam như đã nói ở trên.

Như vậy, nếu vì bảo vệ nguồn thuỷ sản ở ngư trường biển Đông thì Trung Quốc cần cấm bắt cá vào mùa Đông ở ngoài khơi Trung Quốc khi đàn cá từ Trung Quốc trên đường di chuyển về biển Đông. Nhưng, tại sao Trung Quốc chỉ bảo vệ luồng cá di cư vào biển Trung Quốc vào vụ Nam mà không bảo vệ luồng cá di cư vào biển Đông vào vụ Bắc? Nếu thật sự vì bảo vệ môi trường thuỷ sản ở biển Đông thì Trung Quốc phải cấm đánh bắt cá ngoài khơi bờ biển Trung Quốc về mùa Đông.

Rõ ràng là lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở biển Đông từ 16-5 đến 01-8 hàng năm là chỉ muốn bảo vệ luồng cá từ phía ngoài khơi miền Trung Việt Nam đi lên bờ biển Trung Quốc mà thôi, lệnh cấm đó chứa đựng lối tư duy rất ích kỷ, vì lợi riêng, tuyệt đối không công bằng!

Ngư trường lâu nay vẫn là một vấn đề phức tạp trên thế giới ở nhiều vùng biển, liên quan đến khái niệm “vùng đặc quyền kinh tế” (Exclusive Economic Zone-EEZ), theo công ước về luật biển năm 1982. Ngư trường Hoàng Sa và ngư trường Trường Sa xưa nay là những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Nếu như Trung Quốc vì muốn bảo vệ nguồn cá cả bờ biển Việt Nam lẫn cả bờ biển Trung Quốc thì hai nước cần thương lượng với nhau trên cơ sở bình đẳng và công bằng giữa hai quốc gia có chủ quyền, đều là thành viên của Liên Hợp quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982.

Từ những phân tích trên, chúng ta thấy rõ lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông của Trung Quốc là hết sức phi lý, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông cũng như mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái biển. Mong rằng Chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay lệnh cấm đánh bắt cá phi lý đó và có những hành động xứng tầm của một Quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, góp phần giữ vững hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

(559.vn sưu tầm từ tạp chí Nhân Quyền Việt Nam)

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 64
  • Khách viếng thăm: 21
  • Máy chủ tìm kiếm: 43
  • Hôm nay: 15802
  • Tháng hiện tại: 810230
  • Tổng lượt truy cập: 52009938