Con đường vào phủ Tổng Thống

Đăng lúc: Thứ tư - 21/09/2011 20:59 - Người đăng bài viết: admin
Con đường vào phủ Tổng Thống

Con đường vào phủ Tổng Thống

KÌ 2: Sự hy sinh thầm lặng. Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ tâm sự: Sở dĩ A22 của ông có được chiến tích như vậy, ngoài cố gắng của anh em trong giới tình báo, còn có công rất lớn của ông Mười Hương - Một người thầm lặng. Mười Hương, tên thật là Trần Quốc Hương nguyên bí thư Trung ương Đảng, trưởng ban nội chính Trung ương. Giữa những năm 1950 Trần

Quốc Hương được Trung ương cử vào miền Nam hoạt động bí mật, trong đó có nhiệm vụ chỉ đạo lưới tình báo chiến lược H10 - A22 của Vũ Ngọc Nhạ. Năm 1958, Vũ Ngọc Nhạ bị mật vụ bắt cóc ở Sài Gòn rồi chúng đưa ra giam tại Huế. Ngày đó lưới A22 mới hình thành, anh em còn rất ít kinh nghiệm. Nằm trong nhà giam, ngày đêm Vũ Ngọc Nhạ lo tính mạng người thủ trưởng của mình, lo tính mạng của anh em bên ngoài! Ông kể: "Một hôm, ở trong phòng giam Vũ Ngọc Nhạ nghe rõ tiếng quát: Đù mẹ mấy cha cộng sản ngoan cố. Vô đây xem chúng bay còn gan lỳ được không? Tôi ghé mắt nhìn qua hàng song sắt và bàng hoàng nhận ra 4 người trong lưới của ông bị còng 2 tay, một tên mật vụ vừa dong, vừa đạp ngã dúi dụi. Đi đầu là Lê Hữu Thúy mặt bầm tím, tiếp sau Huỳnh Văn Trọng bước tập tễnh rồi đến Vũ Xuân Hòe máu me đầy mặt. Người đi cuối cùng, hai mặt sưng híp là Vũ Hữu Duật. Ít phút sau, lại một tên mật vụ áp tải một người nữa đi qua phòng giam. Người này thấp bé, vẻ mặt kiên nghị, tôi nhận ra đó là đồng chí Mười Hương".

Trong những ngày ở nhà giam, mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn nham hiểm và tra tất dã man, Mười Hương dũng cảm chịu mọi cực hình, quyết không chịu khuất phục. Biết ông là một nhân vật cộng sản tầm cỡ, gan góc, lợi hại, Ngô Đình Nhu đích thân từ Sài Gòn bay ra Huế. Khi giáp mặt Mười Hương, Ngô Đình Nhu nói:

- Bây giờ ông đang ở trong tay chúng tôi, ông biết mình phải làm gì chứ? Chẳng lẽ cộng sản các ông chỉ có một mục tiêu là hy sinh ư? Các ông cũng cần phải tồn tại. Đồng đội của ông nằm trong nhà lao của chúng tôi đây cũng cần phải sống.

Mười Hương trả lời:

- Vâng, nhưng chúng tôi không sống nô lệ. Dù ông có cho người giết tôi, cũng không khai thác được gì ở tôi đâu. Ông hiểu cho: Người Cộng sản chúng tôi không được phép khai báo.

Chúng tôi  tới thăm gia đình ông Mười Hương. Ông đã bước vào tuổi "bát niên giai lão" bị di chứng liệt một cánh tay, nhưng đôi mắt vẫn sáng, đặc biệt sự minh mẫn và trí tuệ của ông còn tuyệt vời. Giường như ý trí cách mạng của người cộng sản đã dồn lại một phần trong đôi mắt của ông, làm nó luôn ánh lên niềm tin yêu và một nghị lực mạnh mẽ.

Khi còn là một chàng trai rất trẻ, Trần Quốc Hương (tức Mười Hương) đã hoạt động tích cực trong tổ chức thanh niên dân chủ. Năm 1942, Trần Quốc Hương mới 16 tuổi, đang thi hành một công vụ của tổ chức thanh niên dân chủ thì bị mật thám Pháp bắt. Chúng đưa ông vào giam tại  Hỏa Lò. Sau một năm giam cầm, tra khảo, không tìm ra nhân chứng, hơn nữa Trần Quốc Hương chưa đủ tuổi thi hành án, bọn mật thám Pháp đành phải thả ông. Thời kỳ 1955 - 1960 Trần Quốc Hương vào Sài Gòn ém mình ngay trong lòng địch để hoạt động. Chỉ đạo một lưới tình báo đặc biệt, ông luôn dũng cảm ẩn hiện trước mặt kẻ thù. Trần Quốc Hương có đức tính cẩn trọng, chu đáo luôn lo sự "bảo tồn" tính mạng của đồng đội. Để che mắt địch, một lần đến thăm gia đinh "giáo dân" Vũ Ngọc Nhạ. Nhìn quanh mà không thấy treo tượng chúa, ông đã cho người kiếm bức tượng Giê - su và cây thánh giá mang đến và dặn bà Nhẫn vợ ông Nhạ: bà treo những thứ này lên tường nghe. Người ta đến nhà "giáo dân" không thấy treo tượng chúa, họ sẽ nghi ngờ. Quả nhiên sau này bức tượng Chúa Giê - su và cây thánh giá đã "bịt mắt" được bọn mật vụ.

Ba mươi năm sau, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ - nguyên cố vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và ông Vũ Hữu Duật - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Đảng liên minh dân chủ, đảng cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu, hai người còn lại duy nhất của giới tình báo H10 - A22 đưa vợ vào thăm dinh độc lập. Người  duy nhất hiểu nó và cùng chia sẻ với các ông chính là những người vợ. Ông Lê Hữu Thúy, một mắt xích cực kỳ quan trọng của lưới tình báo A22, khi được tuyên dương là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đã tâm sự: "Người được tuyên dương anh hùng lẽ ra phải là vợ tôi chứ không phải tôi. Không có bà ấy, tôi làm sao làm nổi những việc đã làm".

Bà Nguyễn Thị Nhẫn, vợ ông Vũ Ngọc Nhạ cho biết, hơn 20 năm ông Nhạ ngày ngày sống bên cạnh kẻ thù, cũng là 20 năm bà phấp phỏng không yên. Tháng 8/1945, cô Nhẫn 20 tuổi xinh đẹp nhất làng Cọi Khê bế con theo chồng di cư vào Nam và bị kết tội là đi theo giặc. Vào Sài Gòn, người phụ nữ ấy phải chạy chợ nuôi đàn con nhỏ cho chồng đi "hoạt động". Trần Lệ Xuân trong một lần trả lời phỏng vấn ở Mỹ sau khi lưới tình báo A22 bị bắt năm 1969 đã trả lời: "khi ông Vũ Ngọc Nhạ từ Huế về Dinh Độc Lập làm cố vấn cho gia đình họ Ngô, được thường xuyên tiếp cận với ông, tôi thấy ông ta là một người khá đặc biệt: Thông minh, thâm trầm, cẩn trọng, làm việc tận tụy nhưng không màng bổng lộc. Anh tôi Ngô Đình Diệm và chồng tôi Ngô Đình Nhu đã nhiều lần chu cấp tiền bạc để ông ta yên tâm suốt đời phụng sự họ Ngô, nhưng ông ta khước từ. Người Mỹ đặt mua ông với cái giá 2 triệu đô (thông qua gia đình tôi) để rút ông ta khỏi lưới Cộng sản (mà họ nghi ngờ) để ông cộng sự với họ, ông cũng từ chối. Khi CIA kết luận ông chính là Cộng sản, bắt ông, xử ông theo luật người Cộng sản phạm tội, tôi không có gì bất ngờ, bởi từ lâu tôi đã nghĩ ông ta là người Cộng sản”. Vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người rất tôn kính và sùng bái Vũ Ngọc Nhạ. Biết hoàn cảnh gia đình ông khó khăn, nhiều lần bà ta cho tiền, ông cũng đều từ chối. Có lần bà Thiệu nhờ người tin cẩn đem cây vàng và một số tiền lớn đến đưa cho bà Nhẫn, bà cũng một mực không nhận. Theo bà: mình nhận tiền của họ thì phải làm theo họ. Làm theo họ có nghĩa là mình phản bội rồi. Ông nhà tôi bảo, phản bội là điều tối kỵ của người Cộng sản. Mình đã chấp nhận dấn thân vào con đường này, dù có khổ ải, thiếu thốn, thậm chí cả hy sinh cũng không làm khác được. Biết nhà tôi không ai lay chuyển nổi, tôi càng yên tâm và xác định dẫu phải chạy chợ suốt đời nuôi chồng nuôi con, tôi cũng không quản ngại.

Không chỉ là người nội trợ chu đáo, bà Nhẫn còn tham gia một phần công việc để giúp đỡ chồng. Có những công việc bà nghĩ nếu để người khác làm, tính mạng của ông và cả gia đình sẽ không đảm bảo. Thế là bà tự nguyện đảm nhiệm công việc liên lạc và làm giao liên cho lưới A22 của ông. Vừa chạy chợ, vừa chuyển tài liệu, tin tức ông thu thập được ở Dinh Tổng thống đến các cơ sở mật của ta. Nhiều khi bọn mật vụ theo dõi gắt gao, bà phải khoét trái cây, cho tài liệu vào rồi giả đem bán để giao cho “khách hàng”. Một lần trái cây có “mật hiệu” bị lẫn trong thúng hoa quả đem bán. Sợ người mua phát hiện sẽ bị lộ, bà đã gánh về nhà đập vỡ cả hai thúng quả mới tìm được cái quả có chứa tài liệu. Từ ngày bà làm giao liên cho lưới điệp báo A22 của ông và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, mối nguy hiểm của gia đình bà tăng lên gấp đôi. Hơn 20 năm ông sống trong lòng địch là hơn 20 năm bà và các con nhiều lần sợ toát mồ hôi, nhất là năm 1969 chúng đưa tin: đã phát hiện ra một nhóm Cộng sản nằm trong Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Sau khi ông bị bắt, bọn mật vụ kéo đến bao vây lục soát, rồi nằm lì trong nhà bà hàng tháng trời. Chúng doạ nạt không lúc nào yên, mẹ con bà nhiều đêm không ngủ được. Chúng đưa ông về nhà đối chất và lục soát. Nhưng ý bà đã quyết, có chết cả nhà cũng không khai…

Cuộc đời của những cán bộ, chiến sỹ tình báo nghiệt ngã là thế. Những người vợ, người thân của họ cũng chung hoàn cảnh như vậy. Vinh quang, cay đắng, công trạng và hận thù luôn song hành tồn tại trong họ. Vượt qua nó không thể ngày một, ngày hai, mà có khi phải đánh đổi bằng cả đời người. 

(559.vn sưu tầm từ tạp chí Nhân Quyền Việt Nam)

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 60
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 42
  • Hôm nay: 12697
  • Tháng hiện tại: 549286
  • Tổng lượt truy cập: 51748994