Quảng cáo top banner

Tàu Amiral Latouche Tréville và cuộc hành trình huyền thoại

Đăng lúc: Thứ tư - 21/09/2011 20:55 - Người đăng bài viết: admin
Tàu Amiral Latouche Tréville và cuộc hành trình huyền thoại

Tàu Amiral Latouche Tréville và cuộc hành trình huyền thoại

Cuộc trường chinh vạn dặm. Cảnh Nhà Rồng trưa ngày 5/6/1911, con tàu Amiral Latouche Tréville nhổ neo bắt đầu hành trình vượt trùng dương về đất Pháp. Trên con tàu ấy, có người thanh niên Việt Nam yêu nước, chàng trai 21 tuổi cô đơn, quả cảm với tên gọi Văn Ba. Vượt trùng dương

bao la quyết đi đến những chân trời xa lạ, hành trang anh mang theo là 2 bàn tay trắng và khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Lịch sử đã chứng minh, lịch sử nhân loại một phần được hình thành bởi sự dịch chuyển của những cộng đồng, những dân tộc, những binh đoàn và những vĩ nhân. Trong các cuộc chuyển dịch lịch sử ấy, chuyến ra đi 30 năm của người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành đã trở thành cuộc hành trình kỳ lạ và vĩ đại nhất trong lịch sử 4000 năm của dân tộc Việt Nam. Đó là chuyến ra đi khát khao tìm hiểu thế giới, nung nấu ý chí đổi đời cho đất nước bằng một trái tim nồng nàn, một tâm hồn cao cả, một quyết tâm mãnh liệt bắt đầu từ hai bàn tay trắng và những công việc nhọc nhằn, gian lao của người phụ bếp. Singapore là nơi con tàu Amiral Latouche Tréville dừng chân đầu tiên trên hành trình vạn dặm. Văn Ba đến đây ngày 8/6/1911; đến Ấn Độ ngày 11/6/1911; dừng lại ở cảng Sa­id, Ai Cập ngày 30/6/2011… Chỉ vài ngày ngắn ngủi ở những xứ thuộc địa này, lần đầu tiên anh thấy được cảnh đời nô lệ bên ngoài biên giới Việt Nam và hiểu rằng bọn chủ thực dân ở đâu cũng vậy. Hàng trăm dân tộc hiền lành, kém phát triển đã rơi vào ách thống trị ác nghiệt, vô nhân của bọn thực dân mà dân tộc anh chỉ là một.

 

          Marseille ngày 6/7/1911, lần đầu tiên Văn Ba đặt chân lên đất Pháp, một trong những cường quốc văn minh nhất của thời đại, một quốc gia được cả thế giới ngưỡng mộ cũng đồng thời là kẻ cuồng bạo đang thống trị quê hương anh một cách tàn ác. Chắc hẳn, trước đó đã rất nhiều lần cậu thiếu niên Trường Quốc học Huế Nguyễn Sinh Côn trầm ngâm ngắm lá cờ nước Pháp và tự hỏi, tại sao lá cờ tam tài tươi đẹp thế kia mà những lý tưởng của nó về tự do, bình đẳng, bác ái chỉ là sự bóc lột và chém giết trên quê hương Việt Nam của mình. Chính câu hỏi ấy đã thúc giục Nguyễn Tất Thành lên đường. Nói về lựa chọn nước Pháp là mục tiêu tìm hiểu đầu tiên trên con đường thiên lý, trong một cuộc trao đổi với nhà báo Xô Viết Osip Mandelstain tháng 12/1923, Nguyễn Tất Thành khi đó đã đổi tên là Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”… Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn giấu đằng sau những chuyện ấy”. Một lần khác, trả lời nhà văn Mỹ, Lui Steron, Bác kể: “…Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi.” Trong tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, có kể lại lúc Bác Hồ làm thuỷ thủ trên tàu: Mỗi ngày anh Ba phải làm từ 4 giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi đốt lửa trong các lò. Khi thì đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá… Luôn luôn nghe tiếng: Ba, đem nước đây! Ba, dọn chảo đi! Ba, thêm than vào! Suốt ngày anh Ba người đẫm mồ hôi, mình đầy bụi than. Người ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong mọi việc. Mỗi ngày, đến 9 giờ tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba học hay viết đến khuya…

          Theo những bức thư của Bác gửi cho cụ Phó bảng còn lưu trong tài liệu mật thám Pháp, Người đã vượt Đại Tây Dương đến Mỹ, nơi khai sinh Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 nổi tiếng. Một nhà sử học Mỹ nổi tiếng đã cung cấp cho chúng ta tư liệu rất quý khi Bác Hồ đến Hoa Kỳ và đi thăm Tượng Nữ thần Tự do. Bà viết: “Tất cả mọi người đến thăm Tượng Nữ thần Tự do đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi ngôi sao toả sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do… Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành nhìn xuống dưới chân tượng và ghi: Ánh sáng trên đầu Thần Tự do toả rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thì người da đen đang bị trà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng như người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc?”. Vậy là ở đâu cũng có áp bức, bóc lột; ở đâu cũng có kẻ giàu, người nghèo… Sau này Nguyễn Ái Quốc đã kết luận: Trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản.

          Lại rời bến, lại ra đi. Trước mặt vẫn là biển cả mênh mông, sau lưng là quê hương quằn quại đau thương trong đêm dài nô lệ. Người thanh niên Việt Nam mảnh khảnh ấy đã làm đủ mọi nghề cực nhọc: “bồi” tàu, “bồi” bàn khách sạn, thợ làm bánh, thợ rửa ảnh, vẽ sơn mài và… cào tuyết để kiếm sống, để đi, để học tập, để hoạt động cách mạng và để giành lại độc lập cho dân tộc mình.

          Kể từ buổi trưa tháng 6 nóng bỏng năm 1911 ấy, từ một cửa biển phía Nam của Tổ quốc, Người đã làm cuộc hành trình suốt 30 năm không nghỉ, qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, tìm đường đi cho dân tộc đi theo. Để đi đến ngày chiến thắng, Người đã phải làm một cuộc hành trình dài hơn tất cả mọi cuộc hành trình, từ ngôi nhà tranh ở quê hương Nam Đàn, Nghệ An vào Huế, Sài Gòn rồi đi ra thế giới; đã học, đã đọc và đã làm tất cả những gì có ích để thực hiện khát vọng giải phóng nhân dân, giải phóng đất nước.

Con tàu bất tử

Lịch sử hàng hải của Pháp đã chứng kiến sự ra đời và hoạt động của bốn con tàu mang tên viên Đô đốc Latouche Tréville, ba chiếc mang tên Latouche Tréville và một chiếc Amiral Latouche Tréville gồm tên kèm theo quân hàm "đô đốc" (Amiral) nên một số người không chú ý dễ bị nhầm lẫn. Xưa nhất là chiếc tàu hộ tống (aviso) Latouche Tréville bằng gỗ có chân vịt (1860 - 1886). Kế đến là chiếc tuần dương hạm bọc sắt (Croiseur cuirassé) Latouche Tréville (1892 - 1926) do Công ty rèn và Xưởng tàu Méditerranée đóng ở Le Havre, hạ thủy ngày 8/10/1892. Con tàu này cùng với tàu Paquebot francais Ville d'Arras thường dễ bị nhầm lẫn nhất. Chiếc tuần dương hạm Latouche Tréville có sức chứa 4.478 ton-nô (1 ton - nô bằng khoảng 2,83m3); kích thước 110x14x6,20m; sức đẩy: 8.300 mã lực; tốc tộ: 19 hải lý/giờ; vũ khí: 2 pháo 194 và 6 pháo 138 có tháp bọc sắt, 4 pháo 65, năm 1886 được trang bị 4 pháo 47. Con tàu Paquebot francais Ville d'Arras là tàu khách Pháp có dáng dấp giống chiếc Amiral Latouche Tréville. Nhiều tài liệu cho rằng Ville d'Arras là tàu của Hãng Compagnie des Chargeurs Réunis (Hãng Vận tải Hợp nhất, thường được gọi là Hãng Năm Sao vì Logo của hãng gồm 5 ngôi sao được vẽ trên ống khói tầu) thuộc loại mà tên có quân hàm Amiral đứng đầu (Latouche Tréville, De Kersaint, Nielly, Orly, Ponty). Mới nhất là chiếc tàu hộ tống chống tàu ngầm (frégate anti-sous-marine) Latouche Tréville hiện đại. Những con tầu này tuyệt nhiên không có liên quan gì đến hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Con tàu đưa người thanh niên Việt Nam yêu nước Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước là tàu Amiral Latouche Tréville của Hãng Compagnie des Chargeurs Réunis. Đó là một chiếc thương thuyền vừa chở hàng vừa chở khách. Tên con tầu gồm quân hàm và họ của viên Đô đốc Louis - René Levassor de Latouche -Tréville (1745 - 1804). Con tàu do hãng đóng tàu Loire ở Saint - Nazaire, Pháp đóng, hạ thủy tháng 2/1904, đăng bạ tại Cảng Le Havre, số hiệu 5601960, chủ tàu là hãng Chargeurs Réunis, dài 118,7m, rộng 15,2m, sâu khoảng 8m, công suất 2.800 mã lực, vận tốc tối đa 13 hải lý /giờ, trọng tải 7.200 tấn; ngừng hoạt động tại Dunkerque ngày 11/3/1929. Có thể khẳng định chắc chắn rằng con tàu Amiral Latouche Tréville nếu không mang theo trong lòng nó cuộc dấn thân trường chinh tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trong con mắt của người dân Việt Nam yêu nước, nó chỉ là một công cụ và phương tiện của bọn thực dân Pháp để bóc lột và khai thác thuộc địa mà thôi. Nhưng số phận đã đóng lên nó cái dấu ấn đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho cái tên của nó trở nên bất tử cùng với sự bất tử của Người, còn bản thân nó thì trở thành biểu tượng vật chất - tâm linh trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

(559.vn sưu tầm từ tạp chí Nhân Quyền Việt Nam)

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 28
  • Khách viếng thăm: 26
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 992
  • Tháng hiện tại: 46407
  • Tổng lượt truy cập: 56904434