Quảng cáo top banner

Đền thờ Chu Văn An

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/04/2011 09:36 - Người đăng bài viết: admin
Đền thờ Chu Văn An

Đền thờ Chu Văn An

Chu Văn An nguyên có tên là Chu An, tự là Linh Triệt, sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8(1292) tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc thành phố Hà Nội.

Dòng họ Chu ở Thanh Liệt đến nay đã có đến 20 đời kể từ cụ Chu Thiện, thân phụ Chu Văn An.

     Thuở nhỏ Chu Văn An sớm có nghị lực, chuyên cần học tập, nghiêm khắc sửa mình, khi trưởng thành ông đạt đến mức thông minh, bác sử, danh lợi không màng, tài năng đức độ hơn hẳn các nho sĩ đương thời. Tuy có tài năng nhưng ông không quan tâm đến chốn quan trường mà ở nhà đọc sách, dạy học. Ông dựng nhà tại quê ở Huỳnh Cung, gần thôn Văn làm trường học tập. Học trò xa gần nghe thấy thầy An, kéo đến học rất đông, trong số đó có nhiều người hiển đạt, giữ được đức thanh liêm, như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Do có tài năng xuất chúng, đức độ hơn người, nên mới ngoái 20 tuổi đã được vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) mời làm Tư Nghiệp Quốc tử giám, dậy thái tử học tập. Học trò của ông nhiều người làm quan lớn trong triều, khi đến thăm thầy vẫn giữ lễ học trò, được ông hỏi chuyện vài câu rồi đi, lấy làm mừng lắm.

     Trần Dụ Tông, học trò của ông, lên làm vua (1341) ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước, nhiều lần ông khuyên vua sửa trị, nhưng không nghe, ông liền dâng sớ chém 7 tên nịnh thần, gây tổn hại cho Quốc gia, đều là những kẻ có thế lực trong triều được vua yêu quý, đương thời gọi là THẤT TRẢM SỚ,  vua vẫn bỏ qua không xem xét. Ông trả mũ áo, từ quan về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, dựng nhà dậy học, tim cây thuốc chữa bệnh, làm thơ,  viết sách lưu lại cho hậu thế. Về đây, ông đặt cho mình một cái tên mới : Tiểu ẩn - ví như một tiểu phu, ẩn dật trong rừng..

     Tuy Chu Văn An ở chốn lâm tuyền nhưng tấm lòng vẫn đau đáu vận mệnh Quốc gia. Và triều đình vẫn không quên một nhân tài mẫu mực. Khi triều chính có đại sự, bao giờ cũng mời ông về tham dự. Mỗi lần như thế ông đều tâu bầy thẳng thắn, hy vọng giữ vững kỷ cương, làm cho quốc thái dân an, thể hiện một nhân cách lớn. Vua thường cho người mang lễ vật đến nhà ban tặng. Ông thường từ chối và nếu có nhận, lại đem chia cho mọi người. Sau vụ biến loạn Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông lên ngôi (1370), ông đã mừng, tuy đã cao tuổi, vẫn chống gậy về kinh bái yết. Vua ban chức gi ông cũng không nhận. Sau lễ bái yết, ông chở lại nhà riêng ở Phượng Hoàng, rồi mất tại đó vào ngày 26 - 11 năm Canh Tuất (1370). Nhà vua sai quan đến dụ tế, tặng Văn Trinh Công, Thuỵ là Khang Tiết và tôn thờ tại Văn Miếu, đây là trường hợp đặc biệt trong giới nho sỹ ở nước ta. Học trò làm nhà bên mộ đến cả năm, tế lễ để tỏ lòng thương nhớ thầy. Lịch sử dân tộc tôn vinh ông là nhà nho có đức nghiệp lớn nhất. Sử thần Ngô Sỹ Liên có lời bàn :

     "Văn Trinh Công thờ vua thì nói thẳng trước mặt ; việc xuất hay xử đều có lý lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh ; 'cao thượng, tiết tháo, thiên tử cũng không bắt nổi làm tôi, nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn ; lời nói  lẫm liệt mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta ?"

     Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, khi còn ở quê đã mở trường dậy học, vì nổi tiếng mà được mời lên kinh đô làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám - Hiệu trưởng của trường đại học nước nhà đương thời, dậy Hoàng tử và đào tạo học trò thành những người công khanh có tài, khi lui triều vẫn dậy học. Ông không chỉ là thầy giáo của đương đại mà còn là tấm gương sáng cho thầy giáo của muôn đời. Cuối đời ông có làm thơ, viết sách, nghiên cứu y dược, nhưng sự nghiệp chính vẵn là giáo dục.

     Sau khi Chu Văn An qua đời, tại nơi ông làm nhà dậy học và sống những năm tháng thoái triều đã được dựng đền thờ giản di.

     Sinh thời, Chu văn An biên soạn nhiều sách để dậy học và sáng tác nhiều thơ văn như : Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn Thi tập, Tiểu ẩn quốc ngữ thi tập, Y học yếu giải ... Nay phần lớn đã thất truyền, chỉ còn lại 12 bài thơ chữ Hán và tập y học yếu giải. Những bài thơ còn lại đến nay phần lớn được sáng tác trong những năm cuối đời ở Phượng Hoàng như các bài :  Linh Sơn tạp hứng, Thanh Lương Giang, Miết Trì, Xuân đán, Sơ hạ ...

     Căn cứ tư liệu lịch sử, văn bia tại di tích và những tư liệu khai thác của địa phương, thì tại Phượng Hoàng,  có các di tích : Đền Phượng Hoàng thờ Chu Văn An, chùa Huyền Thiên, Cung Tử Cực, Điện Lưu Quang, phần mộ Chu Văn An, Am Lệ Kỳ, Miết Trì, Giếng son ... Những di tích này đều được xây dựng từ thời Trần. Am Lệ Kỳ thuộc khu vực chùa Kỳ Lân, ở bên kia suối, cách 100m về phía Bắc Đên...

     Tại di tích còn 5 tấm bia :

     - Trùng tu chùa Lệ Kỳ (Kỳ Lân) thế kỷ XVII.

     - Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xứ.

     - 3 tấm bia nói về thân thế sự nghiệp Chu Văn An và quá trình trùng tu di tích vào các năm 1837, 1841, 1857. Đây là những văn bản quý, xác định danh nhân đã sống và mất tại đây.

      Khu di tích Đền Chu Văn An đã và đang được tôn tạo nhiều hạng mục công trình bằng nguồn kinh từ Ngân sách Nhà nước và của giao viên, học sinh nhiều tỉnh, thành trong nước công đức.

     - Mở con đường 3 km vào di tích qua suối khe, núi đèo hiểm trở, trong 12 ngày - đó là công sức của các tầng lớp nhân dân xã Văn An ; trùng tu 8 gian Đền lớn,  xây dựng nhà bia, tôn tạo lăng mộ Chu Văn An, quy hoạch tổng thể khu di tích để chuẩn bị xây dựng các công trình tiếp theo.

     - Trước ngày khánh thành trùng tu, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Liệt - quê hương của danh nhân đã công đức một pho tượng thầy giáo Chu Văn An.

     - Ngày 12 - 8 năm Đinh Sửu (1997), lễ khánh thành trùng tu bước một đã được tổ chức trọng thể tại khu di tích.

     + Sau một năm, Điện Lưu Quang - nơi ở và dậy học của Chu Văn An được tái tạo. Trước khi xây dựng, nền Điện được tiến hành khai quật khảo cổ học, tìm được nhiều di vật quý, trong đó có pho tượng đá cao 80 cm. Miết Trì, sân vườn được tôn tạo, làm cho khu di tích được khang trang, đồ sộ, khoa học và mang tính truyền thống.

     + Năm 2002, 8 km đường vào Đền được rải nhựa.

     + Năm 2005, nhiều công trình được khởi công với nguồn kinh phí lớn.

     NÚI PHƯỢNG HOÀNG - ĐỀN THỜ CHU VĂN AN, thờ người thầy giáo mẫu mực muôn đời - nơi đó một thắng cảnh  hùng vĩ, nhưng tĩnh lặng, đẫm chất thơ, văn và tâm đức sáng ngời của một nhân tài. Nơi đó có rừng thông, bạch đàn  bạt ngàn xanh thẫm, suối nước trong rì rào, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính, với 72 ngọn ...Đúng là một vùng núi non hiểm trở, một quần thể di tích đầy linh thiêng và nhân văn của đạo lý và nghiệp làm thầy. Đó lại là nơi tĩnh dưỡng tinh thần của danh nhân từ thời Lý - Trần như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai, Trần Xá Loan, Lục đầu Giang ... Đây là những di tích gắn liền với cuộc đời các danh nhân : Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn, Pháp Loa, Huyền Quang ... Trần Nguyên Đán là người nhiều lần đến thăm các di tích của Phượng Hoàng và có nhiều bài thơ về danh thắng này như . Đề Huyền Thiên Tử cực cung, Chí Linh Sơn, Phượng Hoàng Phong.

     NÚI PHƯỢNG HOÀNG - ĐỀN THỜ CHU VĂN AN, đang được xây dựng đúng tầm vóc, thân thế sự nghiệp của một nhà giáo mẫu mực của muôn đời, người đã làm rạng rỡ nền giáo dục nước ta hơn 600 năm qua. Vì vây, việc quảng bá di tích phục vụ cho du lịch và ý nghĩa tâm linh là rất cần thiết, song việc quan trọng và sâu sắc hơn đó là việc khơi dậy  truyền thống giáo dục, đạo học, đạo làm thầy của tổ tiên ta, tiếp tục trấn hưng nền giáo dục của quê hương, đất nước.

    Chúng ta, đến dâng hương tại đền, là tự tâm đến với thầy vì lòng kính trọng, tôn thờ thầy về tâm đức, đạo làm thầy, người đã đắp nền móng cho nền giáo dục nước ta bằng tâm đức và chính cuộc đời của mình. Thật là vĩ đại. Người làm sáng ngời về đạo học, đạo làm thầy và đã làm vẻ vang cho nền giáo dục của nước nhà, là tấm gương để chúng ta soi chung, thì chinh chúng ta phải sống tốt hơn, dậy và học tốt hơn,  thi cử, văn bằng đúng nghĩa, để  xứng đảng với đạo học và nghiệp làm thầy như thầy Chu. Sống như thế thật là thanh thản.

     Ai đó đến đây xin thầy tiền bạc, cầu khẩn giàu sang, đòi hỏi nhiều thứ cùng danh lợi để tiến thân...  hãy nhìn vào ánh mắt dịu hiền và nghiêm khắc của thầy thì biết mình là ai và mình phải làm gì để sống cho có ý nghĩa. (LVH@.com).

                     1

                         - Kính tặng quý khách ảnh "Học" chụp sáng ngày 4-10-2009 và trùm ảnh chụp đầu xuân tại Đền thờ Chu Văn An, xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.Web dulichhaiduong.vn và 559.vn xin trân trọng giới thiệu :

                      1

                     1

                     1

                     1

                     1

                    1

                    1

Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 473 trong 117 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 40
  • Hôm nay: 6794
  • Tháng hiện tại: 114647
  • Tổng lượt truy cập: 57420025