HOANG NGUYEN Xin trân trọng giới thiệu cùng quý khách:
Vụ án Lệ Chi Viên
(Truyện danh nhân lịch sử)
Vụ án Lệ Chi Viên - Mục 1.2 :
Sau khi qua khỏi cảnh nằm gai nếm mật, xung quanh Lê - Lợi nhiều kẻ tâng công xu nịch. Lê Thái Tổ ( tức Lê Lợi) trở nên đa nghi, hẹp hòi, hay nghe lời xiểm nịch. Nhiều vị Đệ nhất công thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo đã bị nhà vua bức tử. Nguyễn Trãi cũng bị bắt hạ ngục. Không đủ chứng cứ để kể tội, Lê Thái Tổ phải tha Nguyễn Trãi. Ông về sống ở Côn Sơn.
Cuối đời, trước khi mất Lê Thái Tổ nhìn thấy lỗi lầm của mình bèn dặn dò Thái tử Nguyễn Long (tức vua Lê Thái Tôn) phải biết trọng dụng Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi trở về nhận chức vị của triều đình, vẫn được ở Côn Sơn để chỉ huy 2 đạo Đông Bắc, thỉnh thoảng ông mới về triều.
Người vợ lẽ yêu của ông là Nguyễn Thị Lộ vừa đẹp vừa hay chữ được vua Lê Thái Tôn phong lễ nghi học sĩ cũng vào triều dạy dỗ cung nhân.
Nguyễn Trãi thường khuyên vua: “Chớ gần thanh sắc và ham của tiền, chớ nghe phảm nịnh mà bỏ lời trung thực, chớ yêu người gần vì tình riêng , nhân mừng mà thưởng khen , nhân giận mà phạt giết….”
Trước ảnh hưởng của Nguyễn Trãi , Lê Thái Tôn đã trừng trị bọn lộng quyền như Lê Sát, Lê Ngân, Hạ Đăng Đắc…nhưng bọn tay chân còn lại vẫn coi Nguyễn Trãi như cái gai trước mắt bởi vì ông trung thực, liêm khiết và đạo đức.
Vụ án Lệ Chi Viên -Muc 3.4:
Vua Lê Thái Tôn lúc ấy có 5 vợ trong đó bà Nguyễn Thị Anh và bà Ngô Thị Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh sinh ra Bang Cơ được phong làm Thái Tử. Ngô Thị Ngọc Dao lúc ấy cũng đang có mang. Bà nằm chiêm bao thấy Ngọc Hoàng Thượng đế sai một vị thần đồng đầu thai vào mình. Ngô Thị Ngọc Dao thật thà đem chuyện ấy kể với các cung phi. Nguyễn Thị Anh sợ bà Ngọc Dao sinh hạ quý tử thì cái ngôi Thái tử của con mình sẽ không còn, liền tìm cách hãm hại Ngọc Dao.
Được tên quan hoạn Đinh Thắng bày mưu tính kế, Nguyễn Thị Anh vu cho Ngọc Dao đã cùng Huệ Phi âm mưu yểm bùa sát hại Thái Tử Bang Cơ. Nguyễn Thị Anh xui vua khép bà NgọcDao vào tội voi giày. Trong các bà cung phi, Nguyễn Trãi thấy Ngọc Dao vừa đẹp người lại đẹp nết sau này sẽ sinh vua hiền, bèn khuyên vua không làm điều thất đức ấy. Vua nghe lời. Ông lại bảo Nguyễn Thị Lộ bí mật đem Ngô Thị Ngọc Dao ẩn náu ở chùa Huy Văn.
Ngọc Dao ngày đêm ăn mặc nâu sồng, tụng kinh niệm Phật như một chân tu để che mắt bọn tay chân của Nguyễn Thị Anh.
Vụ án Lệ Chi Viên - Muc 5.6:
Vài tháng sau Ngọc Dao sinh được người con trai đặt tên là Tư Thành. Vì nuôi con không thể cải là sư được nữa, Nguyễn Trãi cho người đưa hai mẹ con Ngọc Dao ra lánh nạn ở An Bang (thuộc vùng Quảng Ninh ngày nay). Hai mẹ con cùng người đưa đường, đêm đi, ngày nghỉ, hết đi thuyền lại lội suối trèo non chật vật lắm mới tới được An Bang. Đó là vùng biển liền nhau thâm nghiêm kín đáo, dễ tiến, dễ lui.
Biết chuyện hai mẹ con Ngọc Dao chốn khỏi kinh thành là do Nguyễn Trãi sắp đặt, Nguyễn Thị Anh lồng lộn, căm tức. Thị thuê người đi khắp hang cùng ngõ hẻm để dò tìm tung tích hai mẹ con Ngọc Dao. Nhưng được bà con chài lưới đùm bọc, che chở, hai mẹ con Ngọc Dao sống yên ổn trên một chiếc thuyền câu của một lão ngư tốt bụng .
Vụ án Lệ Chi Viên - Muc 7.8:
Ở Côn Sơn Nguyễn Trãi ngày đêm suy nghĩ tìm cách phò vua giúp nước “vì dân quyết rửa sạch tanh hôi”, ông góp phần làm cho triều chính đỡ rối ren, dân tình đỡ khốn khổ. Nhưng việc ấy lại làm cho bọn gian thần càng thêm căm ghét.
Nguyễn Trãi thường nói với vua: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…”.Nghe lời Nguyễn Trãi, Lê Thái Tôn thỉnh thoảng cải trang vi hành khắp nơi, lúc ông về nông thôn, khi ông ra kẻ chợ, càng đi vua càng suy nghĩ về dân về nước, về công việc của mình .
Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất( Tức ngày 1-9-1442) Sau khi tham dự cuộc duyệt võ lớn tại Chí Linh, vua Lê Thái Tôn rẽ vào Côn Sơn thăm vị lão thần Nguyễn Trãi.
Trước đó, Nguyễn Thị Lộ cũng về thăm Nguyễn Trãi .Khi nhà vua rời Côn Sơn, Nguyễn Thị Lộ được lệnh theo cùng về Thăng Long.
Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (Tức ngày 7-9-1442) xa giá nhà vua về đến ly cung Lệ Chi Viên ( nay là địa phận xã Tân Lập, huyện Gia Lương tỉnh Hà Bắc) thì nghỉ lại .
Nửa đêm hôm đó vua bị cảm đột ngột và đến sáng thì mất .
Vụ án Lệ Chi Viên - Muc 9.10:
Các quan hộ giá sợ khi nghe tin vua mất bọn gian thần ở Thăng Long sẽ nổi loạn bèn họp bàn giữ kín đáo tin tức .
Thi hài vua được đặt trên kiệu vàng phủ kín rèm. Đoàn xa giá trở về dọc đường nhã nhạc vẫn vang lừng. Khi về đến kinh thành mới báo tin vua mất và làm lễ phát tang. Thái tử Bang Cơ được triều đình đưa lên nối ngôi (Lê Nhân Tôn). Vua lúc ấy mới lên 2 tuổi nên mọi việc đều do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính.
Nguyễn Thị Anh nắm quyền hành trong tay cùng bọn gian thần không để lỡ thời cơ đã trút căm giận tị hiềm chất chứa mấy chục năm xuống đầu Nguyễn Trãi vu cho Nguyễn Trãi sai vợ là Nguyễn Thị Lộ đầu độc nhà vua để cướp ngôi báu. Nguyễn Thị Lộ lập tức bị bắt và bị tra tấn hết sức dã man. Chúng ép Nguyễn Thị Lộ phải nhận mình thực hiện mưu đồ của Nguyễn Trãi
( Đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi - anh hùng dân tôc, danh nhân văn hoá thế giới, mới được xây dựng năm 2006- gần "ly cung Lệ Chi Viên" ở thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.Nhiều người già ở đây vẫn đặt câu hỏi : Nguyễn Trãi đã được minh oan, còn bà Nguyễn thị Lộ tại sao lại chưa ? Ảnh chụp ngày 29/10/2007-LVH@)
Vụ án Lệ Chi Viên - Muc 11.12:
Đang đi kiểm tra ở Đông Bắc, Nguyễn Trãi được tin vua mất bèn vội vã về kinh. Một lão bộc từng trải đã từng theo ông từ những ngày gian khổ chống quân Minh can ông chớ về triều vội mà lành ít dữ nhiều.Ông bảo: “Người phụ ta chứ ta không phụ người…”.
Về đến kinh đô Nguyễn Trãi bị bắt, trước triều đình ông khảng khái vạch trần bộ mặt gian ác của bọn Đinh Thắng và Nguyễn Thị Anh, thể hiện rõ lòng trung thành của mình. Chúng quyết án vô cùng thảm khốc: Tru di tam tộc( giết ba họ).
Ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất( tức ngày 19-9-1442) mười hai ngày sau khi vua mất, Nguyễn Trãi và gia tộc đã rụng đầu dưới lưỡi dao oan nghiệt của bọn người tham lam quyền chức, ganh ghét tài năng, tỵ hiềm thâm độc.
Tương truyền ngày hôm ấy trời trở nên u ám, mây đen vần vũ và một con chim Phượng từ đâu bay qua kêu lên những tiếng ngân dài thảm thiết.
Vụ án Lệ Chi Viên - Muc 13.14:
Tin dữ đến với Ngọc Dao như sét đánh. Hai mẹ con cùng với nhân dân trong vùng lập đền thờ và để tang Nguyễn Trãi.
Bà tự nhủ: “Không phải chỉ riêng ta mà cả nước đều tiếc thương vị trung thần tài ba lỗi lạc, lòng đầy nhân nghĩa ấy. Ơn cứu mạng không bao giờ quên”
Cũng từ đó đêm đêm trên chiếc thuyền câu lánh nạn, bà ngồi ôm con trong lòng lầm rầm đọc bài kinh giải oan cho Nguyễn Trãi.
Ngày tháng thoi đưa, con trai bà Tư Thành ngày càng khôi ngô tuấn tú. Cậu cùng mẹ ngày ngày lên rừng đốt than, kiếm củi, hoặc xuống biển câu cá, bắt cua. Tối đén bên bếp lửa bập bùng. Ngọc Dao lại dạy con học, cùng con nấu sử sôi kinh.
Dân gian vùng đó truyền đi những bài thơ lạ của một cậu bé thần đồng có tư chất khác thường. Thơ cậu vừa sâu xa ý tứ vừa nồng hậu thương người.
Nghe được những bài thơ truyền tụng trong dân gian vùng đó nhiều quan
trung thực mừng thầm: “Đúng là khẩu khí của một bậc minh quân”, mừng cho vận nước sau này.
Vụ án Lệ Chi Viên - Muc ss 15.16:
Hai mươi năm sau vua Lê Nhân Tôn chết. Nhà Lê tìm người kế vị, bấy giờ người ta mới lần theo dấu chân của bà Ngọc Dao để tìm mẹ con bà.
Tư Thành lên kế ngôi, đó là ông vua làm vẻ vang cho nhà Lê, đã đưa triều đại của mình thành triều đại hoàng kim nhất thời phong kiến. Tư Thành tra cứu vụ án Lệ Chi Viên và ra chiếu rửa oan, phong tước cho Nguyễn Trãi, lệnh tìm con cháu để bổ dụng, sưu tầm văn thơ của Nguyễn Trãi để giữ gìn…
-" Ảnh dưới, chụp ngày 29-10-2007 : Tượng Nguyễn Trãi, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới và vợ, bà Nguyễn Thị Lộ, tại đền thờ bà Nguyễn Thị Lộ, do nhân dân ở thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, xây dựng".
Lê Thánh Tôn nói:
“Lòng ức Trai sáng như sao khuê”
Côn Sơn vắng bóng Nguyễn Trãi từ 19-9-1442. Từ đấy quanh năm nhân dân các nơi đổ về Côn Sơn thắp nén hương tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc. Ngày nay chúng ta làm rõ công đức của Nguyễn Trãi nên nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ở khắp nơi hàng năm đổ về Côn Sơn viếng nhà quân sự thiên tài, nhà chính trị hiếm có, nhà văn hoá lỗi lạc của đất nước và của thế giới.
Côn Sơn trở nên thiêng liêng, sâu lắng gần gũi, gây xúc động lòng người. Đến Côn Sơn không thể không nghĩ đến “Vụ án Lệ Chi Viên”, một vết nhơ trong lịch sử của triều đại phong kiến.
VỤ ÁN LỆ CHI VIÊN
(Truyện danh nhân lịch sử)
Của: ĐẶNG MINH LƯƠNG
Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin
Hà Nội -1998
Ý kiến bạn đọc