Thắng cảnh An Phụ

Thắng cảnh An Phụ
Cụm di tích An Phụ hiện nay thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, cách thành phố Hải Dương hơn 30 km về phía đông.

Quý khách hành hương theo đường bộ như đường 5, 18, 186, 189 và đường thuỷ theo các tuyến sông Thái Bình, Kinh Thầy đều có thể chiêm ngưỡng và đến di tích một cách thuận tiện.

Cụm di tích An Phụ gồm các công trình và dấu tích :

          - Chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao, xung quanh con nhiều cây cổ 600 - 700 năm tuổi.

          - Giếng Ngọc trước chùa ở độ cao 230 mét vẫn đầy nước, quanh năm trong mát ...

          - Bàn cờ tiên ở phía đông chùa Cao với nhiều sự tích ...

         - Trụ Kinh Thiên (trụ đá chọc trời),

         - Tượng đài Trần Hưng Đạo ở độ cao 200 mét, thấp hơn đền An Phụ Sinh Từ 50m, một công trình tượng đài anh hùng dân tộc hoành tráng, điển hỉnh của nước ta cuối thế kỷ 20.

          - Đình Huề Trì (phía tây nam núi An Phụ) nơi thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh (nữ tướng của Hai Bà Trưng).

         Dãy núi An Phụ có chiều dài 17 km, đỉnh cao nhất An phụ cao 246 mét, có nhiều đỉnh nhỏ và những khe  đèo đã được dân gian đưa vào thơ ca và thêu dệt lại nhiều sự tích. Trên đỉnh dãy núi cao xanh thẫm nổi lên như  một chóp nón khổng lồ - đó là cụm di tích An Phụ. Đỉnh núi chia làm 2 ngọn nhỏ : Ngọn phia nam có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu ( là thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn "1228-1300", người con trung hiếu, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, lập chiến công hiển hách, 3 lần kháng chiến thắng quân Nguyên
Mông), tục gọi là đền Cao, còn văn bia gọi là An Phụ Sơn Từ. Khoảng giữa 2 dãy núi là chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao. Bên chùa còn trụ đá Kinh Thiên (Trụ đá chọc trời), trước chùa có một giếng nước, nước luôn đầy và trong mát quanh năm. Cách chùa 100 mét về phía đông, có một khoảng đất bằng phẳng, xung quanh kè đá gọi là bàn cờ tiên. Xung quanh đền và chùa vẫn còn một số cây cảnh cổ xanh tốt, đặc biệt còn một số cây Đại có 700 năm tuổi, chứng minh cho sự trường tồn của di tích.

         An Phụ có hai nhánh kéo dài : Phía đông đến tận phố An Lưu, trụ sở của Huyện Kinh Môn, phía tây kéo dài tới sông Kinh Thầy, đối diện với núi cả của Chí Linh, tạo thành một phòng tuyến tự nhiên, vững chắc, bảo vệ từ xa cho Kinh Thành. Cũng vì thế mà từ thế kỷ 15 trụ sở của sứ đông đặt tại Mặc Động, bên núi Cả để chế ngự
miền Đông Bắc và cửa khẩu tại bến Vạn.

          An Phụ là dãy núi đất pha sa thạch và sỏi kết, thoai thoải dễ leo, có thể lên từ bất cứ hướng nào. Phía đông có 4 khe nhỏ : Khe Gạo, Khe Tài, Khe Đá, Khe Lim. Xưa rừng có nhiều gỗ quý như Lim, Tùng, Bách.. Hiện nay rừng đã được trồng lại với nhiều loại cây ăn quả, lấy gỗ và khai thác nhựa ... Từ đỉnh An Phụ nhìn về đông bắc, xa xa đỉnh Yên Tử cao ngất, quanh năm mây phủ, nó như nóc nhà  miền đông bắc, nơi bảo lưu nhiều di tích lịch sử thời Trần, chốn Phật tổ của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Gần hơn là dãy núi đá vôi Dương Nham(Kính Chủ) như hòn non bộ khổng lồ giữa bể cạn mênh mông sóng lúa. Tây Bắc Dương Nham, dòng sông Kinh Thầy lượn gần chân núi tạo nên cảnh sơn thủy hũu tình và cũng là con
đường thủy giao thông thuận tiẹn. Phía tây giáp đường liên huyện và một làng quê có tên Kính Chủ, quê hương của những người xứ Đông. Nếu Dương Nham và dòng sông Kinh Thầy là cảnh đẹp tự nhiên thì làng
Kính Chủ là một công trình nhân tạo làm cho phong cảnh ở đây sinh động và hoàn thiện.

        Từ đỉnh An Phụ nhìn về phia nam, dưới chân núi là các xã An Phụ, Thượng Quận ...những làng quê yên ả, đồng ruộng trù phú, cây trái xanh tươi và sông Kinh Thầy đỏ nặng phù sa, uốn lượn như dải lụa hồng đang lặng trồi bồi đắp cho vùng duyên hải ... ; bên kia sông là xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành có đường 5 nối Hà Nội với Hải Phòng chạy qua xã, với hơn 3km đường chim bay là đến cụm di tích An Phụ.

            (Mai sau, chúng tôi nghĩ vậy - chừng hơn mười năm nữa thôi, sẽ có tại chân núi An Phụ, một thị trấn đẹp, rồi có thể là thị xã An Phụ, trên bến dưới thuyền, đường thủy bộ thuận tiện, có con đường nhựa và một chiếc cầu treo hiện đại, nối từ xã Kim Xuyên, Huyện Kim Thành qua sông Kinh Thầy, sang xã An Phụ và Thượng Quận của huyện Kinh Môn để thuận tiện cho việc đi lại, phát triển kinh tế . . .(không thể để huyện Kinh Môn là ốc đảo, chỉ có một cây cầu Thái, quanh năm đi lại, quanh quẩn, vòng vo, tốn kém
đủ đường ...) và đón du khách đến với cụm di tích An Phụ để dâng hương, để tận hưởng không khí trong lành và các món ăn đặc sản... Cả đi và về, mỗi chuyến xe chở khách, chở hàng sẽ giảm được công và nhiên liệu của 30km đường. Cố được điều ấy, sẽ có phố dân cư, bềnh viện, trường học, chợ, khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ mát, nhà dưỡng sức, khu vui chơi dân gian, thê thao giải trí... sẽ đua nhau mọc lên. Cụm di tích An Phụ lúc đó mới đúng với di tích quốc gia, ý nghĩa tâm linh và xứng với thân thế, sự nghiệp của các danh nhân, các anh hùng. Với ý nghĩa lịch sử, du lịch, tâm linh, môi trường trong lành, kinh tế... không phải chỉ người dân huyện Kinh Môn và Kim Thành tinh Hải Dương được hưởng mà
mọi người dân trong nước Việt Nam chúng ta mà cả các bạn nước ngoài biết và được hưởng. Về tài chính tôi tin rằng... sẽ hội tụ đủ, hơn sự mong đợi của các nhà quản lý. (Hoangnguyen-9/2007)

            Từ An Phụ nhìn về phía tây nam là miền châu thổ bát ngát, sóng lúa nhấp nhô, sông ngòi uốn lượn nối tiếp nhau, đan xen làng xóm, trang trại xanh tươi, tạo nên bức tranh màu rực rỡ.
Cách chân núi không xa là đình Huề Trì, nơi thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh(nữ tướng của Hai Bà Trưng). Đây còn là một công trình kiến trúc cỡ lớn và độc đáo, có bình diện gần như vuông khép kín với diện tích gần 640m2, tại Huề trì là trị sở của phủ Kinh Môn từ thời Minh Mệnh (1820 - 1840) cai quản 7 huyện phía đông tỉnh : Đông Triều, Thủy Đường (Thủy Nguyên), Nghi Dương, An Dương, Kim Thành, An Lão, Giáp Sơn (Hiệp Sơn). Như vậy Phủ Kinh Môn cũ bao gồm hầu hết thành phố Hải Phong, huyện Đông Triều và Kinh Môn hiên nay.

         Từ nhiều thế kỷ trước, sử sách đã từng ghi "Các núi An Phụ, Thiên Kỳ, Kính Chủ... đều là những cảnh đẹp đáng du ngoạn". Nay cảnh quan đã khác xưa, nhưng là nơi có nhiều di tích
cần thăm quan nghiên cưu. Du khách đến An Phụ không chỉ là một cuộc tham quan di tích lịch sử và danh thắng mà còn la một cuộc đi thể thao bổ ích. Trên đường du lịch đến Cụm di tích An Phụ, khách nhớ đến thăm động Kính Chủ và đình Huề Trì, những di tích tiêu biểu của một vùng văn hóa tỉnh Hải Dương.